Nếu bạn không ăn da gà vì nghĩ nó không tốt cho bạn, thì đừng ngại. Da gà chứa chất béo không bão hòa có lợi cho tim.
Chỉ cần bạn không ăn quá nhiều và nhớ phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ của gà bạn ăn. Nhiều người khoái khẩu da gà nhưng luôn tự hỏi, liệu nó có hại cho sức khỏe? Câu trả lời là: Không
Lần tới, nếu bạn nấu nướng hay ăn thịt gà, nhớ để lại da chứ đừng vứt bỏ. Nhiều năm qua, các nhà dinh dưỡng và cả bác sĩ khuyên chúng ta nên vứt bỏ phần da gà trước khi thưởng thức. Nhưng thực ra, da gà không có hại như nhiều người nghĩ.
|
Ảnh minh họa. |
Theo trường Y tế Cộng đồng Harvard, ngoài việc làm cho món thịt gà hấp dẫn hơn, có hương vị hơn, da gà còn chứa chất béo không bão hòa có lợi cho tim. Tiêu thụ chất béo không bão hòa được tin là làm giảm cholesterol cũng như huyết áp.
Tuy nhiên, nếu đang theo dõi sát sao cân nặng, bạn không nên ăn quá nhiều da gà. Tốt nhất là hãy để lại phần da ở ức gà khi nướng vì chỉ có sự khác biệt rất nhỏ giữa phần thịt gà còn hay bỏ da - tính về lượng calo và chất béo.
Và nếu tiêu thụ một lượng da gà lớn mỗi ngày thì hãy dè chừng trái tim và vòng eo của bạn.
“Một chút da gà trong món ăn hàng ngày là tốt, nhưng tôi sẽ không ăn quá nhiều", Sheena Smith, nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Viện Y học tích hợp nói.
"Thịt gà, nhất là da gà, có nhiều axit béo omega 6 hơn bất kỳ loại thịt nào. Omega-6 là chất béo không bão hòa làm thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, phòng chống các bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2, thấp khớp, hen suyễn và cả ung thư".
Ăn thế nào là đúng?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (Đại Học Bách khoa Hà Nội) - chất protein ở da chủ yếu là gelatin và collagen hợp thành. Chúng có vai trò quan trọng đối với nhiều bộ phận của cơ thể như da, gân, sụn, xương, tổ chức liên kết và góp phần làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể.
“Tuy nhiên, protein có trong động vật rất khó tiêu vì vậy không nên ăn nhiều. Ở nước ngoài, người ta không dùng da động vật làm thực phẩm trực tiếp mà chỉ sử dụng để làm thạch và chất phụ gia hoặc thuộc da trong công nghiệp. Tại Việt Nam, nhiều người vẫn thích ăn da gà, bò, lợn. Mặc dù chúng không gây độc hại song nếu ăn nhiều, cơ thể chúng ta có thể mắc bệnh”, PGS Thịnh nói.
Vì thế chúng ta cần ăn lượng vừa phải, nguồn gốc xuất xứ của gà sạch - và sử dụng một cách điều độ, chế biến hợp lý nhất.
Theo Khỏe & Đẹp