Sau khi ra trường, tôi đã làm việc ở nhiều nơi nhưng không thấy hợp chỗ nào. Trong suy nghĩ, tôi luôn muốn trở thành ông chủ, không muốn là một người nhân viên quèn cả đời.
Lúc đầu tôi cần vốn để mở công ty và đã về nhà nhờ bố mẹ vay mượn một ít nhưng họ nói số tiền vay cho tôi học đại học vẫn chưa trả nợ hết. Bây giờ mà vay nữa thì không ai cho.
Tôi đề nghị bố mẹ mang sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng để có tiền cho tôi làm ăn nhưng họ không chịu. Nói là lỡ chuyện làm ăn của tôi bị đổ vỡ thì họ phải ra đường ở sao?
Bố mẹ không thể giúp về tiền, thế là tôi đành phải làm ăn nhỏ, đến khi có nhiều vốn một chút thì mở công ty. Với sự kiên trì, nỗ lực, cuối cùng tôi đã thành công ở tuổi 42.
Tuần vừa rồi, cả gia đình tôi về thăm bố mẹ. Tôi hỏi bố mẹ xem còn khoản nợ nào nữa không? Nói ra và tôi sẽ trả hết, sau đó biếu thêm bố mẹ 500 triệu để gửi tiết kiệm chi tiêu lúc tuổi già.
|
Ảnh minh họa |
Đến lúc này bố mẹ đều cười mãn nguyện mà nói ra sự thật là họ có rất nhiều vàng, không cần sự giúp đỡ của đứa con nào lúc về già. Tôi choáng váng khi mẹ lấy một túi vàng có đến 100 cây ra khoe với chúng tôi.
Bố mẹ giàu có thế, tại sao lúc tôi gặp khó khăn nhất mà lại không giúp đỡ? Tôi rất tức giận trách bố mẹ quá keo kiệt, không thương con cái.
Bố tôi nghiêm giọng nói: “Nếu ngày đó bố cho con tiền để làm ăn, liệu con có thành công được như ngày hôm nay không?”.
Tôi khẳng định nếu ngày đó bố cho tôi 10 cây vàng thì bây giờ công ty đã phát triển hơn. Thế nhưng ông bảo chưa chắc, bởi tôi chưa nếm trải được đủ khó khăn và rủi ro của thương trường thì chưa có kinh nghiệm để vượt qua, dù có cho hết cả gia tài thì cũng thất bại.
Thì ra bố muốn tôi nếm đủ mọi loại thất bại để có kinh nghiệm, thế mới trưởng thành được. Khi đã hiểu ra sự việc, tôi thấy bố mẹ thật khôn ngoan và đáng để tôi học hỏi.
Theo Bảo Vệ Công Lý