Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) là một biến chứng hậu COVID-19 nguy hiểm ở trẻ em. Boldsky đưa tin, theo các nhà nghiên cứu, hội chứng MIS-C có thể xuất hiện sau khi trẻ mắc COVID-19 nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng vài tuần hoặc vài tháng.
|
Ảnh minh họa: CHLA. |
Một nghiên cứu trước đây của nhóm chuyên gia tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Bệnh viện BWH ở Mỹ cho thấy rằng trong các ca MIS-C, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong ruột từ vài tuần đến vài tháng sau khi người bệnh mắc COVID-19.
Khi SARS-CoV-2 hiện diện trong ruột, hàng rào niêm mạc bị suy yếu có thể cho phép các phần tử virus nhỏ, chẳng hạn như protein đột biến, xâm nhập vào máu, dẫn đến các bệnh nhiễm trùng như COVID-19 và trong trường hợp hiếm gặp, phản ứng tăng viêm dẫn đến hội chứng MIS-C. Virus SARS-CoV-2 sử dụng protein đột biến để xâm nhập và lây nhiễm các tế bào.
"Chúng tôi có thể chứng minh rằng virus tồn tại trong ruột lâu sau khi mắc COVID-19 có thể gây ra hội chứng MIS-C. Dựa trên khám phá quan trọng này, chúng tôi muốn tìm hiểu liệu việc sử dụng một loại thuốc vốn được phát triển để điều trị bệnh khác như celiac có thể giúp điều trị các triệu chứng ở trẻ mắc MIS-C hay không", David Walt, tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Critical Care Exploration, cho biết.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng thuốc larazotide acetate cho 4 trẻ em bị bệnh nặng từ 3 đến 7 tuổi đang được điều trị MIS-C. Kết quả cho thấy, larazotide làm giải phóng zonulin, một phân tử có thể giúp tăng tính thấm của ruột.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh kết quả lâm sàng của 4 trẻ được dùng larazotide cùng steroid và globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG) với 22 trẻ chỉ dùng steroid và IVIG. Các triệu chứng và thời gian nằm viện ngắn hơn (ở nhóm trẻ dùng larazotide).
"Những phát hiện này cho thấy larazotide có thể cung cấp một liệu pháp bổ trợ an toàn và có lợi cho việc điều trị hội chứng MIS-C", các nhà nghiên cứu cho biết.
An An