Đã bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản với cuộc sống này chưa? Khi bỗng nhiên mọi thứ trở nên vô nghĩa hết, không còn điều gì đáng để quan tâm. Bạn bị mất hứng thú ngay cả với những công việc mà bạn từng rất yêu thích. Bạn muốn ăn thật ngon miệng nhưng cơ thể không chịu hợp tác, cứ ngửi thấy mùi thức ăn dầu mỡ là thấy ghê.
Bạn chẳng thể nào tập trung được vào bất cứ việc gì. Khả năng ghi nhớ giảm sút, bạn hay quên ở mọi lúc, mọi nơi. Tình trạng mất ngủ và những cơn đau đầu bất chợt xảy ra triền miên. Bạn cảm thấy mình đang chết dần đi từ bên trong.
Nếu gặp phải những tình trạng như trên, rất có thể bạn đang có vấn đề nào đó về tâm lý, nhẹ thì căng thẳng, stress, tệ hơn là trầm cảm. Trầm cảm không phải là một cơn buồn chán vu vơ, chợt đến, chợt đi trong chốc lát, nó là một bệnh.
Người bệnh trầm cảm không thể nào lý giải được việc đôi khi họ tự muốn treo cổ mình lên hoặc trèo lên đâu đó rồi nhảy xuống. Nhưng có phải là trầm cảm hay không phải do bác sĩ khám và kết luận, bạn không nên đọc những bài viết trên mạng rồi dựa vào đó mà tự cho rằng mình có bệnh.
|
Sự cô đơn có thể là mầm mống của những chứng bệnh tâm lý. |
Tôi sẽ kể cho bạn nghe chuyện tôi từng đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm lý. Sau hàng loạt những bất ổn như tôi liệt kê ở trên, tôi quyết định đến gặp bác sĩ tâm lý để xem mình đang gặp phải vấn đề gì. Nhưng điều này thật chẳng dễ dàng gì khi mà xã hội vẫn chưa hiểu đúng về các bệnh tâm lý và vẫn luôn có thành kiến với những người có vấn đề về tinh thần.
Tôi đã đi khám, một mình, âm thầm, chỉ sợ người quen phát hiện, sợ người ta sẽ ném cho mình cái nhìn dành cho kẻ thần kinh không bình thường.
Đến phòng khám, tôi gặp nhiều bệnh nhân cũng đang xếp hàng chờ tới lượt. Tôi ngồi ở hàng ghế đợi, chăm chú quan sát. Những người đến khám, đa số đều có thân hình gầy, khí sắc nhợt nhạt, thiếu sức sống. Có lẽ là kết quả của tình trạng chán ăn và những đêm mất ngủ.
Có những người chỉ đến lấy thuốc định kỳ chứ không khám. Mỗi lần lấy thuốc, số tiền bỏ ra ít cũng phải một vài trăm, còn thường phải đến tiền triệu. Mà không phải uống một lần là khỏi, những người đến điều trị phải theo một liệu trình và phải uống thuốc theo nhiều đợt.
Khám trước tôi là một cô bé, đang học lớp 9, mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Cô bé đã có một cuộc trò chuyện rất lâu với bác sĩ. Ở phòng khám mà tôi đến, chỗ bác sĩ trò chuyện với bệnh nhân và hàng ghế đợi chỉ cách nhau một vài bước chân, không có cách âm nên tôi có thể nghe được câu chuyện của họ.
Cô bé ấy từng đi khám ở nhiều nơi và cũng có đọc nhiều tài liệu về chứng bệnh mình đang gặp phải. Có điều, cô bé ấy từ chối điều trị bằng thuốc và không có niềm tin rằng bệnh của mình có thể chữa khỏi được.
Khi cô bé bước ra ngoài, tôi thấy khuôn mặt em xanh xao, nổi đầy mụn, cơ thể mảnh mai, gầy yếu. Em mới 16 tuổi, độ tuổi nhẽ ra phải vui vẻ, yêu đời, tràn đầy sức sống thì em lại phải khổ sở chịu đựng căn bệnh này từng ngày.
Đến lượt tôi, sau một vài câu hỏi, bác sĩ kết luận tôi bị rối loạn lo âu, stress và kê cho tôi một đơn thuốc. Tôi thở phào nhẹ nhõm, may mắn quá tôi không bị trầm cảm và cũng không tốn quá nhiều tiền để điều trị như những bệnh nhân kia.
Tôi cầm túi thuốc về, tra trên mạng thấy gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc ổn định nhịp tim, thuốc an thần. Có điều, khi uống vào tôi bị buồn ngủ ngày đêm, lúc nào cũng chỉ muốn ngủ, điều này khiến tôi không thể tỉnh táo làm việc. Tôi quyết định dừng thuốc sau liều đầu tiên sử dụng.
|
Nếu bạn không tự giúp chính mình, thuốc chưa chắc đã làm bạn khá hơn. |
Tôi chợt nhận ra, tôi đã quá lo lắng, đến mức phải vin vào bác sĩ, coi họ như chiếc phao cứu sinh của mình. Trong khi thật ra tôi phải tự vực mình lên mới phải. Không ai có thể giúp bạn nếu như bạn không tự giúp chính mình.
Những người làm việc trong lĩnh vực tâm lý, thần kinh, họ kiếm tiền dựa trên sự bất ổn của người khác. Vì thế nếu tinh thần bạn không khỏe mạnh, bạn không cảm thấy hạnh phúc thì bạn sẽ rất tốn tiền. Bạn lao đầu vào làm việc, kiếm tiền, và dùng chính số tiền kiếm được để hàn gắn những vết nứt trong tâm hồn.
Người ta thắc mắc, sao xã hội ngày càng phát triển, mức sống được nâng lên mà số lượng những người mắc các bệnh về tâm lý ngày càng tăng? Tại sao ngày xưa thế hệ trước sống khổ cực, đẻ con hàng đàn mà không ai bị trầm cảm? Đúng vậy, trầm cảm và các bệnh tâm lý chính là hệ quả của thời đại này, thời đại mà công nghệ lên ngôi.
Ngày xưa, ông bà ta có thể nghèo khổ nhưng họ được sống gần gũi, chan hòa với thiên nhiên, họ không tự nhốt mình vào trong những căn phòng kín mít, ngăn cách với thế giới bởi những bức tường xi măng lạnh lẽo.
Ngày xưa, người ta giao tiếp với nhau bằng ánh mắt, nụ cười, giọng nói chứ không phải qua những dòng tin nhắn và những emoji. Ngày xưa, người ta không phải chen chúc tắc đường mỗi sáng và hít vào người đủ thứ khí độc. Tóm lại, các chứng bệnh tâm lý là hệ quả của lối sống văn minh, thành thị. Chúng ta có thể “chặn đứng” được điều này bằng cách học hỏi lối sống của người xưa.
Thay vì tìm kiếm những cuộc vui bên ngoài, bạn hãy quay trở lại tìm kiếm sự an lạc trong nội tâm. Thay vì mong cầu sự giúp đỡ của người khác, bạn hãy tự giúp chính mình. Nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những việc đơn giản, trồng một cái cây, nuôi một con mèo, đọc sách mỗi ngày. Chỉ thế thôi bạn cũng giảm thiểu được kha khá nguy cơ mắc các bệnh tâm lý rồi đấy. Nhớ nhé, bác sĩ tốt nhất của bạn là… chính bạn. Hãy học cách yêu thương, chăm sóc và hàn gắn tâm hồn mình.
Theo PV / Đất Việt