Tình yêu và hôn nhân phải đến từ hai nền tảng ngang bằng có những điểm tương đồng. Đôi khi chấp nhận lấy một người chồng giàu, người phụ nữ phải đối mặt với một số vấn đề thật sự gây ảnh hưởng đến hòa khí và mối quan hệ. Như câu chuyện của “nàng dâu hụt” tên Y. dưới đây cũng như thế. Chuyện như sau:
Câu chuyện buồn của nàng dâu 'hụt'
“Đáng ra tháng trước em đã lên xe hoa về nhà chồng rồi các chị ạ. Nhưng em đã quyết định hủy hôn khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đám cưới. Lúc nói ra quyết định, ai cũng mắng mỏ em nhưng em nghĩ rằng những gì mình cảm nhận được sẽ tỉnh táo hơn và hợp lí hơn.
Em và anh ấy yêu nhau 3 năm. Gia đình anh kinh doanh buôn bán nên khá giàu có. Nhà em điều kiện kém hơn hẳn. Có lẽ vì thế nên hai đứa yêu nhau bố mẹ anh không đồng ý. Nhưng cuối cùng có lẽ thấy em cũng được, làm việc cho một công ty nước ngoài, thu nhập không tệ nên nhà anh đồng ý cho cưới.
Nói là đồng ý cho cưới nhưng mỗi lần đến nhà anh chơi em vẫn thấy ngại ngần. Đơn giản bởi em như lạc lõng trong căn nhà đó vậy. Bố mẹ anh vẫn rất ít khi hỏi chuyện em.
Em có đề cập đến thì anh bảo rằng không sao cả. Sau này mình cưới xong có ở chung đâu mà lo lắng quá. Nói thì nói vậy em vẫn thấy lăn tăn trong lòng. Cả chuyện nói việc cưới xin nhưng nhà anh cũng chậm trễ trong việc đến nhà em nói chuyện người lớn.
Ban đầu bố mẹ em còn hỏi han, sau đó vì lâu quá nên có vẻ cũng chán nản luôn. Sau một thời gian em thúc giục thì anh cũng bố trí để gia đình đến nhà em nói chuyện. Mọi chuyện tuy chậm rãi nhưng cũng cứ thế được tiến hành, các bước cưới xin được chuẩn bị.
Thật sự mà nói thì ban đầu em cứ ngỡ rằng có được tình yêu của anh là được. Anh luôn đứng về phía em nên em mới quyết liệt với mối quan hệ này. Ban đầu mà chỉ cần anh nao núng thì em cũng từ bỏ lâu rồi. Ai dè sau này chính em phải từ bỏ thật.
Bọn em ăn hỏi xong, định 2 tháng sau đó thì cưới. Vì đã ăn hỏi nên bọn em quyết định vào ở chung với nhau ở nhà riêng của anh. Cuộc sống ban đầu cũng vui vẻ như thế nhưng ở rồi em mới phát hiện ra chồng tương lai rất lười biếng, khá gia trưởng, không muốn đụng tay vào việc nhà.
Trước kia ở xa nhau lâu lâu mới gặp, bây giờ ngày nào cũng gặp em phát hiện ra anh ấy đam mê chơi game. Về nhà là lao vào chơi game, không hề biết đụng tay vào nồi cơm hay quẹt cái nhà. Ở chưa đầy một tháng mà bọn em cãi nhau bao nhiêu lần vì chuyện đó.
Thời gian ấy, sếp Tổng công ty em bên Mỹ sang công tác nên chi nhánh bên này làm việc hết công lực. Đúng hôm em tăng ca thì mẹ chồng lên chơi. Lúc em về nhà thì hơn 7 giờ tối, mẹ chồng cũng vừa xuống xe đi vào.
Vào nhà các chị biết gì không, vẫn như cũ, anh ấy nằm chơi game trên sofa, cơm chưa nấu, trong chậu rửa rất nhiều bát đũa do anh ấy ở nhà cả ngày ăn nhưng không rửa.
Thấy như thế, biết em cũng mới về nhưng mẹ chồng lại quay ngoắt sang mắng em rằng: ‘Để nhà cửa bừa bộn như thế, sau này cô lo làm sao được cho gia đình không biết’.
Lúc đó em cũng nhẹ nhàng trình bày là hôm nay mình tăng ca nên về muộn, còn bát đũa là của chồng em, anh ăn nhưng lại không rửa. Tức thì, mẹ chồng nói luôn: ‘Nhà này đàn ông con trai không bao giờ đụng tay việc bếp núc nhà cửa cỏn con nhé. Con trai tôi không được dạy việc rửa bát nấu cơm. Đó là chuyện của đàn bà. Nó ở với tôi hai mươi mấy năm không đụng tay đụng chân, giờ lấy vợ về để phục vụ hay sao mà lại phải rửa bát quét nhà’.
Nghe những câu đó em sửng sốt. Mấy công việc nho nhỏ giúp đỡ vợ đâu có nặng nhọc gì. Hóa ra chuyện anh ấy không làm là do từ bé đến lớn được dạy hay sao. Lúc ấy, em chưa biết nói gì thì chồng lên tiếng, có vẻ vô cùng đồng tình với mẹ anh:
‘Anh đã nói với em rồi mà không nghe. Đàn ông nhà anh không làm việc nhà, em phải làm hết tất cả mọi việc mẹ mới thích em’.
Chẳng hiểu sao lúc nghe những lời nói đó từ người mình chọn làm chồng mà em thất vọng khủng khiếp. Anh thấy rằng chuyện đàn ông không giúp vợ, không đụng tay vào chuyện nhà là bình thường dù vợ có bận rộn đến mức nào đi chăng nữa là đúng. Bây giờ là cuộc sống hai người, sau này còn con cái, chắc gì anh biết đường sửa đổi. Mẹ anh thì vẫn tiếp tục nói gì mà em dâu không hiền, không biết điều, lấy được chồng giàu còn lắm chuyện.
Câu chuyện ấy khiến em suy nghĩ rất nhiều. Mấy hôm sau, em đã kể cho bố mẹ và xin ý kiến về chuyện hủy hôn, em sẽ không cưới nữa. Bố mẹ em có vẻ rất sửng sốt. Trong gia đình cũng có người phản đối nhưng ý em đã quyết. Em quyết định chấm dứt tất cả, đàn ông gia trưởng không biết cảm thông hay sẻ chia thì cố gắng bên nhau cũng khó hạnh phúc".
Việc nhà là một khía cạnh nhỏ, nhìn rộng hơn nó còn nói lên tình yêu thương của người đàn ông dành cho vợ mình. Đến việc nhà cũng ỷ lại, đợi chờ người khác làm thì trong hôn nhân dài lâu, kiểu gì cũng tạo nên mâu thuẫn.
Đàn ông chia sẻ việc nhà, gia đình sẽ hạnh phúc hơn
Tình yêu là nền tảng của cuộc sống lứa đôi. Song để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì bên cạnh tình yêu, cần có sự quan tâm chia sẻ, nhất là san sẻ việc nhà và chăm sóc con cái.
Theo một khảo sát của tổ chức Yelp được tiến hành trên 2.000 người Mỹ có gia đình và đã ly hôn cho rằng: 80% người tham gia thừa nhận rằng đã từng có mâu thuẫn với người bạn đời về việc phân công làm việc nhà. 20% nói rằng, họ thường xuyên gây gổ với nhau về những việc vặt trong nhà. Những mâu thuẫn chủ yếu thường xoay quanh các vấn đề như: khi nào làm việc nhà (53%), ai làm (48%) và làm như thế nào (50%).
Tiến sĩ tâm lý Sharone Weltfreid cho biết: "Thông thường, phụ nữ hay bày tỏ sự thất vọng về việc phân bổ công việc gia đình. Họ thường bảo rằng người bạn đời của họ thường không thực hiện đúng yêu cầu hoặc trì hoãn thời gian khi họ yêu cầu giúp đỡ. Chính vì vậy, họ có xu hướng ôm đồm tất cả mọi công việc nhà và như một lẽ tất yếu tâm lý oán hận sẽ nảy sinh và ngày chồng chất một nhiều hơn".
Để thoát khỏi vòng lẩn quẩn đó, Tiến sĩ tâm lý Heather Z. Lyons cho rằng, thay vì gây gổ nhau để thể hiện vị thế, tầm quan trọng của mình trong mối quan hệ gia đình, các cặp đôi nên làm chủ cảm xúc của mình và giải bày cho đối phương hiểu những áp lực mình phải chịu đựng. Đồng thời có sự phân chia hợp lý về công việc, thời gian hoàn thành. Nếu làm tốt sẽ được thưởng hoặc đơn giản chỉ là ghi nhận nỗ lực của nhau bằng một lời khen, thể hiện lòng biết ơn".
Tự hào là một người chồng, người cha có trách nhiệm với gia đình
Ông Con Stamocostas, một nhà báo người Úc chia sẻ: "Tôi lớn lên như hầu hết các cậu bé người Úc gốc Hy Lạp, mẹ tôi làm tất cả các công việc nội trợ. Tôi được mẹ bao bọc kỹ lưỡng cho đến khi tôi 37 tuổi. Trong khi đó, những cô gái người gốc Hy Lạp mà tôi biết, họ được đối xử nghiêm khắc hơn nhiều so với nam giới. Họ được gia đình "đào tạo" trở thành một "Osin" không công trong nhà với lời đe dọa là nếu không làm tốt các công việc nội trợ, họ sẽ không lấy được chồng. Vợ tôi cũng là một trong những cô gái ấy. Cô ấy làm mọi việc trong nhà, thỉnh thoảng tôi mới giúp cô ấy rửa vài cái bát hoặc đi đổ rác. Tôi không thấy tội lỗi vì những người đàn ông xung quanh tôi đều thế cả.
Tuy nhiên, khi con gái chúng tôi chào đời, vợ chồng tôi đặt ra những quy tắc mới. Tôi nấu ăn, chăm sóc nhà cửa, vợ tôi chăm sóc con gái bé bỏng. Song không dừng lại ở đó, tôi luôn cố gắng giúp đỡ cô ấy hết mức có thể như thay tã, ru con gái ngủ và đưa con đi dạo để cho vợ nghỉ ngơi.
Khi đã bỏ ra rất nhiều công sức để giúp đỡ gia đình, tôi cảm thấy tự hào vì mình là người cha tuyệt vời. Điều quan trọng hơn là tôi muốn con gái tôi khi trưởng thành không bị ám ảnh rằng việc nội trợ chỉ dành cho phụ nữ. Tôi cũng mong là thế hệ các chàng trai tiếp theo đừng nên ích kỷ, mà phải biết chia sẻ công việc gia đình với người bạn đời của mình".
Bí quyết hạnh phúc của gia đình tỷ phú
Mới đây ông Bill Gates và bà Melinda tuyên bố với giới truyền thông rằng chia sẻ việc nhà cùng nhau khiến cuộc hôn nhân 25 năm của họ hạnh phúc hơn. Theo bà Melinda, trái ngọt trong cuộc hôn nhân của họ không phải tự nhiên mà đến. Bà đã cùng chồng nỗ lực vun đắp và đôi khi phải "đấu tranh" mới có được. Thời gian đầu, sau khi kết hôn và sinh con đầu lòng, ông Bill cứ liên tục bận rộn với lịch làm việc và những chuyến công tác triền miên khiến bà đôi lúc cũng cảm thấy cô đơn và buồn tủi. Sau đó, họ đã ngồi lại với nhau, cùng điều chỉnh để mái ấm gia đình được vun vén nhiều hơn.
Có một dạo, bà phát hiện ra mình luôn là người cuối cùng rời bếp sau bữa cơm tối của gia đình. Ngày hôm sau, lúc mọi người chuẩn bị rời nhà ăn, bà đứng dậy hai tay chống hông và nói rằng: "Không ai được rời khỏi bếp khi mẹ chưa xong việc". Từ đó, chồng và con bà mới bắt đầu nhận ra rằng từ lâu họ đã mặc nhiên dành những công việc không tên dành cho bà. Cũng từ đó, thêm một quy định mới được thiết lập cho gia đình nhỏ của bà. Bà cười nói với niềm tự hào: "Anh ấy (Bill Gates) không thường xuyên làm bếp nhưng vẫn nấu ăn rất ngon. Anh ấy cũng là một tấm gương sáng trong việc đưa đón con, để các bà mẹ ở trường con tôi nói với chồng họ rằng: Bill Gates làm được thì anh cũng làm được".
Theo Emdep