Tiết thu, dương khí dần dần thu liễm bế tàng, âm khí từ từ tăng trưởng, thời tiết chuyển dần từ nóng sang lạnh, là giai đoạn quá độ của "dương tiêu âm trưởng".
Lúc này, mưa ít gió nhiều, độ ẩm trong không khí giảm đi, "Táo" với đặc tính khô hanh là chủ khí. Thu táo dễ làm hao tổn chất dịch trong cơ thể gây nên các hiện tượng miệng, môi, mũi, họng đều khô, da dẻ khô ngứa thậm chí nứt nẻ, râu tóc không nhuận, đại tiện dễ táo...
Bởi thế, theo quan niệm của y học cổ truyền, nguyên tắc dưỡng sinh ăn uống trong mùa thu phải chú trọng bổ dưỡng phần âm, cung cấp đầy đủ dịch thể để giúp cho các tạng phủ, đặc biệt là phế và thận, hoạt động được thuận lợi.
|
Món ăn – bài thuốc phòng chữa ho, khó thở mùa thu - Ảnh minh họa |
Món ăn - bài thuốc dễ được nhiều người ưa dùng để phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe trong mùa thu.
Canh phổi lợn nhị tử: Kha tử 6g, ngũ vị tử 20 hạt, phổi lợn (bò) một chiếc. Phổi lợn rửa sạch cho các vị thuốc vào cùng, cho nước nấu canh, khi chín nhừ nêm gia vị, ăn phổi uống canh. Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn liền 7 đến 10 ngày là một liệu trình.
Canh yến sào bạch chỉ: Bạch chỉ, yến sào mỗi loại 12g, đường phèn một ít. Cho bạch chỉ, yến sào vào nồi đất để lửa nhỏ hầm lâu cho chín, bỏ bã cho đường phèn vào hòa uống. Chia 2 lần uống vào sáng tối, uống liền 10 đến 15 ngày.
Tắc kè hầm đường phèn: Tắc kè vài con, đường phèn 15g. Tắc kè sấy khô tán thành bột, mỗi lần 5-6g cho đường phèn vào nấu kỹ uống. Mỗi ngày 1 lần, uống liên tục khoảng 1 tháng.
Trứng vịt bách hợp xuyên bối: Lá dâu 30g, xuyên bối 5g, bách hợp 20g, trứng vịt 2 quả. Cho nước vào lá dâu sắc lấy 500 ml nước, đổ bột xuyên bối bách hợp vào đun cách thủy đến khi bách hợp chín đập trứng vịt nêm gia vị đun sôi trào là được. Uống liên tục khoảng 1 tuần.
Phổi lợn hầm tuyết lê xuyên bối: Phổi lợn 250g, xuyên bối 40g, tuyết lê 2 quả, đường phèn một ít. Cắt tuyết lê thành mấy miếng, phổi lợn thái miếng cho cùng với xuyên bối mẫu vào trong nồi đất, cho thêm một ít đường phèn và nước vào đun lửa nhỏ. Hầm đến khi phổi chín là ăn được, nên ăn thường xuyên.
Súp sơn dược bầu dục lợn: Lấy sơn dược 100g, rửa sạch, cạo vỏ, thái nhỏ. Bầu dục lợn một đôi rửa sạch, thái nhỏ cho vào nồi cùng với sơn dược. Cho thêm mật ong, đường phèn mỗi loại 50g, thêm nước. Đun sôi, hạ lửa nhỏ om đến khi sơn dược chín nhừ, sau đó dùng thìa nghiền sơn dược thành súp. Mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 thìa.
Canh bì lợn trứng gà: Lấy 200g bì lợn thái sợi, cho vào trong nồi nước, cho thêm 50g sữa đậu nành và gia vị. Đun sôi sau đó hạ lửa nhỏ đun đến khi nhừ, đập 2 quả trứng gà đánh đều đổ vào, bắc nồi xuống đợi nguộn rồi ăn.
Canh bách hợp: Bách hợp tươi 30g, cho nước vào nấu chín, cho một ít bột vào khuấy thành canh, khi ăn cho một ít đường trắng hoặc đường phèn. Ăn vào bất cứ lúc nào.
Canh thịt rau mác: Rau mác 500g, gia vị vừa phải, thịt lợn nạc 150g, gia vị vừa phải. Thịt lợn rửa sạch, băm nhỏ, thả vào nồi nước đun sôi cho nhừ. Rau mác cắt ngọn, bỏ vỏ, thái lát, thả vào cho chín, nêm gia vị, mì chính là ăn được.
Canh ốc tuyết: Sơn dược sống 45g, mạch đông 15g, ngưu bàng tử 12g, hồng sấy 15g. Trước tiên cho sơn dược, mạch đông, ngưu bàng tử vào nấu chín, bỏ bã, sau đó cho hồng sấy vào ngâm, ăn bất cứ lúc nào.
Chè táo mèo: Sắc 30g quả táo mèo và 6g lá chè, 30g đường phèn cùng với 500ml nước cho đến khi còn lại 200 ml nước, chia 2 lần, uống lúc đói bụng.
Chè lê: Rửa sạch 10g vỏ quả lê, 15g vỏ cây mía (mía lau càng tốt); sắc với 650 ml nước cho đến khi còn lại 300 ml, dùng uống thay nước chè trong ngày.
Cách phòng bệnh
- Tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh.
- Giữ ấm cơ thể và cổ họng.
- Giữ vệ sinh môi trường sống.
- Tránh ăn đồ ăn cứng, đồ ngọt, đồ lạnh, cay.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
BS Khánh Hoàng (Hội Đông y Việt Nam)
Thúy Nga