N.M.T, đang là sinh viên năm 3 của một trường đại học trên địa bàn thành phố. Thời gian gần đây, M.T không thể tập trung vào bài học vì vừa nghe giảng hoặc đọc sách xong, cậu đã không nhớ gì cả. Nhất là vào giai đoạn thi cuối kỳ, M.T càng căng thẳng hơn vì càng cố gắng học, cậu càng nhanh quên.
Không chỉ không nhớ được bài vở, nhiều công việc đơn giản hàng ngày như tắt nước nóng, đóng nắp thùng gạo… cậu cũng không nhớ.
Lo ngại trước tình trạng quên liên tục diễn ra và kéo dài, M.T đã đến bệnh viện để kiểm tra. ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Quân y 175) cho biết, ca bệnh trên đã đến khám tại đơn vị Sa sút trí tuệ khoảng 1 tháng trước.
Kiểm tra mức độ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ của người bệnh tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: T.Chính
Sau khi làm bài kiểm tra thần kinh nhận thức cũng như khai thác kỹ tiền sử, các bác sĩ nhận định nam sinh bị hội chứng suy giảm nhận thức chủ quan do căng thẳng, stress, mất ngủ.
Bệnh nhân được hướng dẫn điều chỉnh giấc ngủ, điều trị bằng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Sau 3 tuần điều trị, khi tái khám, khả năng tập trung chú ý và trí nhớ của bệnh nhân cải thiện đáng kể.
|
Kiểm tra mức độ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ của người bệnh tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: T.Chính |
Một trường hợp khác là chị N.M, 28 tuổi, nhân viên văn phòng của một công ty đầu tư. Công việc của chị liên quan đến rất nhiều loại giấy tờ, hợp đồng, hoá đơn nên chị rất có ý thức rèn luyện trí nhớ. Tuy nhiên, khoảng nửa năm nay, khi tình hình tài chính khó khăn, công ty cắt giảm nhân sự, trong khi công việc phải nhận nhiều hơn, lại ít có thời gian nghỉ ngơi... nên trong công việc chị liên tục mắc lỗi.
Bị nhắc nhở, chị càng căng thẳng nhiều hơn, dẫn đến không ăn, không ngủ được, tình trạng “nhớ nhớ quên quên” càng nặng khiến chị buộc phải xin nghỉ phép để đi điều trị.
Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh “quên”
Chia sẻ tại hội thảo “Chẩn đoán và điều trị suy giảm nhận thức” diễn ra ngày 29/6 tại Bệnh viện Quân y 175, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa cho biết, suy giảm nhận thức thường gặp ở người lớn tuổi, nhóm người mắc sa sút trí tuệ hay bệnh alzheimer. Tuy nhiên, hiện nay người trẻ đến bệnh viện khám với các triệu chứng hay quên ngày càng tăng.
Người bệnh đến khám tại khoa trong độ tuổi từ 20-50 chiếm đến 50%, đa phần trong tình trạng trí nhớ giảm sút. Tuy nhiên, khi thực hiện các bài kiểm tra, hầu hết các trường hợp này không thuộc dạng sa sút trí tuệ mà chủ yếu là suy giảm nhận thức.
Theo bác sĩ Nghĩa, suy giảm nhận thức ở người trẻ là căn bệnh có thể điều chỉnh được. Nguyên nhân có thể do stress, căng thẳng, rối loạn lo âu, mất ngủ… ảnh hưởng đến trí nhớ và tình trạng nhận thức của người trẻ.
Tại khoa còn có nhiều bệnh nhân suy giảm nhận thức chủ quan do lạm dụng rượu bia, sử dụng bóng cười, các chất kích thích... phải điều trị nội trú dài ngày.
Bác sĩ Nghĩa cho biết, sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng. Việc chẩn đoán, điều trị vẫn gặp khó khăn do người dân chưa nhận thức về bệnh đầy đủ và đúng mức.
Nhiều người có triệu chứng nhẹ như lơ đãng, mất tập trung nhưng chủ quan không đi thăm khám. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán, điều trị chuyên sâu còn hạn chế...
Theo TS.BS Trần Công Thắng, Chủ tịch Hội bệnh alzheimer và rối loạn tâm lý nhận thức Việt Nam, sa sút trí tuệ là bệnh có thể phòng ngừa. Việc phát hiện và điều trị sớm có thể làm chậm tiến triển của bệnh, thậm chí đảo ngược tình hình.
Thống kê từ Liên đoàn bệnh alzheimer và sa sút trí tuệ thế giới cho hay, cứ 3 giây lại có một người suy giảm nhận thức tiến triển thành sa sút trí tuệ. Tại Việt Nam, năm 2022, ước tính có khoảng 500.000 người bệnh sa sút trí tuệ nhưng 75% không được chẩn đoán kịp thời.
Theo Vietnamnet