Câu hỏi: Thời gian gần đây, tôi đọc thông tin về tình huống nhiều F0 uống thuốc trong túi B sai chỉ định khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Xin hỏi túi thuốc B gồm những loại nào và F0 nên sử dụng như thế nào để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất?
(Minh Anh, TP.HCM)
Trả lời:
BSCKI Phạm Hữu Tiến, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện quận Bình Thạnh (TP.HCM), từng phụ trách tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 quận Bình Thạnh, tư vấn:
Thời gian gần, tôi cũng nhận được câu hỏi tương tự về các đơn thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho F0, trong đó có nhiều người quan tâm về thuốc kháng viêm, kháng đông trong túi thuốc B.
- Kháng viêm corticoid (Dexamethasone, Prednisone, Methylprednisolone...):
Đây là loại kháng viêm rất mạnh, có tác dụng ức chế miễn dịch. Đối với 80% bệnh nhân là người trẻ, không béo phì, không bệnh nền thì không cần dùng corticoid.
Những trường hợp F0 có diễn tiến nặng (có tổn thương phổi, khó thở, giảm nồng độ SpO2 trong máu) mới có chỉ định dùng. Việc sử dụng corticoid không đúng cách sẽ gây ức chế miễn dịch tự nhiên, nguy cơ tăng tải lượng virus và dương tính kéo dài.
- Sử dụng kháng đông trong gói thuốc B:
Bản chất là kháng đông đường uống thế hệ mới, tương tự corticoid, thuốc này chỉ sử dụng khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng (khó thở, SpO2 tụt < 95% và chưa liên hệ được y tế.
Đặc biệt, phụ nữ có thai, những người có tiền sử suy gan, suy thận, xuất huyết tiêu hóa hoặc đang dùng thuốc chống đông khác không tự ý sử dụng thêm kháng đông.
Trường hợp bệnh nhân không liên lạc được nhân viên y tế địa phương mà bệnh diễn tiến nhanh, sử dụng ngay một liều gói thuốc B và tiếp tục liên hệ nhân viên y tế hoặc đến bệnh viện để được điều trị. Người bệnh không tự ý sử dụng kéo dài thuốc này.
Gói thuốc B được cấp phát cho người đang điều trị COVID-19 tại nhà, nhưng không sử dụng thường quy mà chỉ dùng khi có dấu hiệu nặng (khó thở, SpO2 tụt). Tuy nhiên, cần xem trước các chỉ định, chống chỉ định của các thuốc này khi được phát để chuẩn bị sẵn sàng.
F0 và gia đình cần thường xuyên giữ mối liên hệ với y tế địa phương, nhất là người bệnh có nguy cơ cao (chưa tiêm vaccine, béo phì, lớn tuổi, có bệnh nền). Đặc biệt, người bệnh cần giữ vững tinh thần, lạc quan và bình tĩnh. Đây luôn là phương thuốc tốt nhất để vượt qua dịch bệnh.
Theo Zingnews.vn