Tiến sĩ Natasha Yates, Phó trưởng khoa Thực hành Tổng hợp tại Đại học Bond (Australia), cho biết cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài đến 3 tuần sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Ở một số trường hợp, tình trạng này sẽ tồn tại trong nhiều tháng và trở thành một triệu chứng COVID-19 kéo dài.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), 51% bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài báo cáo tình trạng mệt mỏi.
“Ở một số người, có những tác nhân khác nhau góp phần gây ra sự mệt mỏi và khiến nó kéo dài. Mức độ hoạt động thể chất thấp, thói quen hàng ngày bị xáo trộn, thói quen ngủ kém, quá tải công việc, trách nhiệm chăm sóc gia đình, tâm trạng kém, lo lắng và căng thẳng đều có thể khiến tình trạng mệt mỏi tồi tệ hơn”, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết.
|
Mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày (Ảnh: Alamy) |
Để giúp mọi người đối phó với cảm giác mệt mỏi, Tiến sĩ Yates đã chia sẻ một số biện pháp sau:
Không quá vội vàng và thúc ép bản thân
Theo Tiến sĩ Yates, khi trở lại làm việc sau khi khỏi COVID-19, bạn nên điều chỉnh các hoạt động bình thường phù hợp với mức năng lượng của bạn. Hãy chọn những việc ưu tiên và tập trung vào những gì bạn có thể làm hơn là thúc ép bản thân làm những gì bạn không thể.
Trở lại tập thể dục dần dần
Nếu bạn vẫn cảm thấy chưa khỏe mạnh dù đã hồi phục, thì bạn không nên đi đến phòng tập. Đồng thời, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn thấy mức năng lượng của mình không trở lại bình thường trong nhiều tuần.
Tập thể dục dần dần có thể giúp bạn hồi phục, nhưng bạn có thể cần sự hỗ trợ về cách tập phù hợp hoặc tránh mệt mỏi sau đó. Một số nhà trị liệu, chẳng hạn như nhà trị liệu nghề nghiệp, nhà vật lý trị liệu và nhà thể dục sinh lý học, có thể giúp bạn.
Tạo thói quen để ngủ ngon giấc
Thay vì cảm thấy tội lỗi khi ngủ quá nhiều, hãy nhắc nhở bản thân rằng trong khi ngủ, cơ thể bạn bảo tồn năng lượng và hồi phục.
Tuy nhiên, sau khi khỏi COVID-19, nhiều người gặp tình trạng giấc ngủ bị gián đoạn. Để cải thiện, bạn nên có một giờ đi ngủ nghiêm ngặt, đồng thời nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy mệt mỏi trong ngày.
NHS cho biết các kỹ thuật thư giãn có thể giúp giảm mệt mỏi vì chúng thúc đẩy một giấc ngủ ngon và giảm căng thẳng. Các kỹ thuật có thể thử như thiền định, trị liệu bằng hương thơm, yoga, thái cực quyền và các hoạt động khác mà bạn cảm thấy thư giãn, chẳng hạn như đọc sách hoặc ngâm mình trong bồn tắm.
Ăn uống lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng
Hãy cố gắng xem thức ăn như một cách cung cấp năng lượng và vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để chữa lành vết thương.
NHS khuyến nghị bạn nên ăn mỗi ngày 3 phần protein bằng lòng bàn tay, 3 phần sữa bằng ngón tay cái và 5 phần trái cây và rau.
Ngoài ra, bạn nên đặt mục tiêu cho 1/4 bữa ăn chính bao gồm các loại thực phẩm giàu tinh bột, chẳng hạn như cơm, khoai tây hoặc mì ống, đồng thời ăn nhiều trái cây, rau và giữ đủ nước.
Theo dõi tình trạng mệt mỏi
Ghi lại những gì đã làm trong ngày, cảm giác của bạn sau mỗi hoạt động và theo dõi tình trạng mệt mỏi để tìm kiếm giải pháp cải thiện dần dần có thể hữu ích. Nếu thấy tình trạng của mình ngày càng tệ hơn, bạn hãy tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế.
Bạn cũng nên lập kế hoạch, sắp xếp thứ tự ưu tiên và chia sẻ công việc với người khác để bạn có thể kiểm soát sự mệt mỏi của mình và cải thiện nó, thay vì làm nó tồi tệ hơn.
Mời độc giả xem thêm video: WHO khuyến cáo về thuốc chữa sốt rét trong điều trị COVID-19 (Nguồn video: THĐT)
Lương Trâm (Theo The Sun)