Sau đây là ba món ngon từ chân giò lợn vừa bổ dưỡng vừa dễ ăn mà bạn có thể thực hiện:
Chân giò hầm măng
Vị ngon, thơm của măng tươi kết hợp với cái béo ngậy của chân giò tạo nên hương vị hoàn chỉnh, biến chân giò hầm măng thành món “ruột” của nhiều người.
|
Món chân giò hầm măng rất đưa cơm, đặc biệt là vào những ngày lạnh. Ảnh: Đời sống & Pháp luật. |
Nguyên liệu:
- 1 khúc chân giò khoảng 700g (tùy thích có thể chọn những khoanh thịt chân giò nhỏ cho dễ ăn)
- 300g măng tươi (Có thể thay thế bằng măng khô. Loại măng này cần ngâm và luộc trước khoảng 5-6 ngày (nếu là măng lưỡi lợn) hoặc 2-3 ngày (nếu là măng áo tơi))
- Dầu ăn, giấm trắng, nước mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu, hành củ, vài cọng hành lá.
Cách làm chân giò hầm măng tươi:
- Bước 1: Bắc một nồi nước sôi nêm vào nồi khoảng một thìa nhỏ muối, một thìa xanh giấm trắng rồi cho chân giò vào chần sơ (khoảng vài phút từ khi nước sôi). Sau đó vớt chân giò ra rửa lại bằng nước lạnh cho thật sạch các bọt bẩn bám vào, để ráo nước.
- Bước 2: Cho chân giò vào tô ướp cùng với khoảng hơn một thìa canh nước mắm ngon, hạt tiêu trong khoảng 30 - 60 phút. Việc trụng chân giò bằng nước muối, giấm và ướp với nước mắm, hạt tiêu sẽ làm cho miếng thịt chân giò có phần da trắng và rất thơm ngon.
- Bước 3: Măng tươi tước sợi rồi luộc khoảng 10 phút để loại bỏ bớt chất độc, sau đó cho ra rổ xả lại nước lạnh cho sạch rồi vắt ráo.
- Bước 4: Hành củ thái mỏng.
- Bước 5: Bắc nồi lên bếp để lửa vừa, cho vào nồi chút dầu ăn để phi hành củ cho thơm, tiếp theo cho măng tươi vào xào, nêm vào măng ít muối cho đậm đà, xào măng vài phút cho thấm gia vị rồi cho chân giò cùng nước lã vào nồi, đun sôi, hớt bọt rồi vặn nhỏ lửa để hầm cho đến chân giò vừa chín mềm là được (khoảng 30 - 40 phút).
- Bước 6: Trong quá trình hầm nêm vào nồi chút muối, hạt nêm sao cho vừa ăn. Khi thịt chân giò chín thì tắt bếp, cho vào nồi ít cọng hành lá cho chín tái rồi múc ra tô, rắc ít hạt tiêu lên. Vậy là bạn đã có món chân giò hầm măng hấp dẫn đãi cả nhà.
Chân giò hầm hạt sen
Món chân giò hầm hạt sen này vừa ngon vừa bổ, nguyên liệu lại dễ tìm. Bạn đừng bỏ qua trong thực đơn.
|
Ảnh: Mẹo hay cuộc sống. |
Nguyên liệu:
– 1 cái chân giò nguyên xương (dùng chân trước sẽ ngon hơn)
– Hạt sen
– Cà rốt, hành tây
– Nấm hương
– Hành, mùi tàu
Cách làm:
– Chân giò cạo thật sạch lông rồi ướp với hạt nêm, gia vị, hành khô băm nhỏ rồi cất vào tủ lạnh khoảng 2 giờ cho ngấm.
– Hạt sen, nấm hương ngâm nở. Ninh nhỏ lửa để hạt sen chín bở mà vẫn ko bị nát, để riêng.
– Đổ nước sâm sấp mặt thịt rồi ninh trong nồi áp suất sôi khoảng 20 phút thì tắt bếp. Dùng đũa xăm thử xem thịt đã nhừ chưa, nếu thịt chưa nhừ thì lại đun tiếp đến khi thịt nhừ nục, có thể xiên đũa qua dễ dàng thì trút hạt sen, nấm hương vào đun cùng, nêm nếm lại cho vừa miệng.
– Hành tây bổ múi cau, cà rốt tỉa hoa xắt mỏng, hành mùi tàu thái nhỏ đợi chuẩn bị bắc thịt xuống thì trút vào nồi.
Món này giàu năng lượng, hợp với mùa đông và ăn cùng cơm hoặc bánh mì các mẹ nhé. Từng thớ thịt chín nục, mềm thơm, róc xương. Ăn cả bì lẫn mỡ đều không hề có cảm giác béo ngấy mà trái lại còn rất lôi cuốn hấp dẫn từ người già đến trẻ nhỏ.
Chân giò nấu giả cầy
Món ăn này khá vừa vị, dai giòn mà không ngấy. Bữa tối ngày lạnh, còn gì thú vị hơn khi cả nhà quây quần bên mâm cơm nghi ngút khói, thơm phức mùi thịt chân giò nấu giả cầy.
|
Món giả cầy nóng hổi ăn cùng cơm hoặc bún đều ngon. Ảnh: Mẹo hay cuộc sống. |
Nguyên liệu:
– Chân giò: 1kg
– Riềng: 0,15kg
– Nghệ: 0,03kg
– Nước mắm, muối, hạt tiêu,
– Mẻ ngấu: 0,1kg
– Mắm tôm: 0,05kg
– Hành, tỏi khô: 0,02kg
Cách làm:
– Chân giò đốt cho vàng đều, rửa sạch, chặt miếng tương đương với nửa bao diêm.
– Riềng, nghệ giã nhỏ vắt lấy nước (để riêng từng thứ). Mẻ, mắm tôm nghiền nát vắt bỏ bã. Hành, tỏi khô bóc vỏ băm nhỏ.
– Cho thịt chân giò vào nồi nhôm, bỏ nước riềng, nghệ, mẻ, mắm tôm, hành, tỏi, nước mắm, muối, tiêu vào bóp kỹ cho ngấm, cuối cùng rưới vài thìa mỡ nước trộn đều.
– Khoảng một giờ sau, đặt nồi thịt lên bếp, đậy vung đun vừa lửa, thỉnh thoảng phải đảo lên cho thịt thấm đều. Khi thấy thịt săn lại mối chế thêm ít nước. Tiếp tục đun âm ỉ đến lúc thịt chín mềm, nước cạn bớt và hơi keo sánh mới rắc rau răm thái nhỏ vào là được. Bắc ra múc vào đĩa sâu (hay bát to) ăn nóng. Có rau ngổ để ăn kèm.
Thảo Nguyên (TH)