Mẹo kết hợp thực phẩm với vị thuốc chữa bách bệnh

Google News

(Kiến Thức) - Các vị thuốc Đông y có tính “tương hợp” nếu dùng chung với một số vị thuốc, khi đó hiệu quả điều trị bệnh được tăng cường hơn. 

Các vị thuốc Đông y có tính “tương hợp” nếu dùng chung với một số vị thuốc hay ăn một số loại thực phẩm, khi đó hiệu quả điều trị được tăng cường hơn. Dưới đây là sự tương hợp cụ thể.
Cảm mạo thanh nhiệt xung tễ hợp với gừng tươi: Gừng tươi có sức tán phong hàn, giải biểu khỏi ho, ôn trung tán hàn, dùng để chữa chứng phong hàn cảm mạo, âm hàn vị thuốc, thổ tả bụng đau. Khi uống thuốc cảm mạo thanh nhiệt xung tễ chữa chứng phong hàn, lại uống một chén nước gừng sẽ làm tăng thêm hiệu lực của thuốc. Thường dùng 3 – 5 lát gừng tươi sắc thành thang là được.
Meo ket hop thuc pham voi vi thuoc chua bach benh
Ảnh minh họa. 
Gừng tươi hợp với đại táo: Đại táo, gừng tươi thường dùng sắc thành thang, có tác dụng bổ tỳ vị, kích thích ăn uống, có thể là thuốc dẫn cho phương thuốc chữa âm hàn vị thống, thổ tả, bụng đau để chất thuốc này phát huy hết tác dụng.
Khôn thuận hoàn hợp với đường đỏ: Nước đường đỏ có sức bổ huyết tán hàn, khứ ứ, thường dùng cho phụ nữ huyết hư, huyết hàn, máu xấu sau khi sinh chưa sạch, ít sữa, miệng khô, nôn mửa, đi lỵ. Có thể lấy đường đỏ 10 – 30g đun chảy thành nước uống với thuốc chế sẵn khôn thuận hoàn.
Chi tử kim hoa hoàn hợp với ngó sen tươi: Ngó sen có tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, chỉ huyết. Khi dùng thuốc chế sẵn chữa chứng huyết nhiệt xuất huyết thường dùng nước ngó sen làm thuốc dẫn thuốc chế sẵn như chi tử kim hoa hoàn, thượng thanh hoàn nhằm tăng cường hiệu lực của thuốc. Dùng ngó sen tươi giã ra lấy nước, hoặc lấy 5 – 10 đốt ngó sen đun lấy nước uống.
Đan sâm hợp với rượu: Đan sâm tuy có tác dụng hoạt huyết hoá ứ, nhưng tính vị nó khô hàn, mà đông y cho rằng huyết gặp hàn thì đông, gặp nóng thì thông. Nếu đan sâm uống với rượu hâm nóng hay dùng đan sâm tẩm rượu sau đó uống sẽ làm tăng sức khứ ứ, khỏi đau, hoạt huyết, thông kinh của đan sâm.
Thất ly tán hợp với rượu: Rượu tính cay nóng, có tác dụng ôn thông kinh lạc, tán phong hàn, dẫn thuốc. Uống rượu với loại thuốc tính hàn, làm nó bớt hàn, uống với loại thuốc tính nhiệt làm giãn gân hoạt lạc. Khi uống dùng rượu từ 10 – 15ml. Để khứ phong trừ thấp, giãn gân hoạt lạc, dùng rượu uống với hoạt lạc hoàn; để hoạt huyết hoá ứ, tiêu sưng khỏi đau thì dùng rượu uống với Thất ly tán.
Tiểu hoạt lạc hoàn hợp với rượu: Tiểu hoạt lạc hoàn, thư cân hoàn, nhân sâm tái tạo hoàn chữa phong hàn thấp tỳ, trúng phong liệt nửa người, uống với rượu ấm sẽ dẫn thuốc đi đến nơi cần đến, càng nhanh phát huy hiệu quả. Nhưng người từng xuất huyết não, người có tật bệnh dễ bị xuất huyết mà nhạy cảm với cồn rượu, người mắc bệnh gan, người cao huyết áp, người bị chảy máu dạ dày thì không nên dùng rượu uống với thuốc hoạt huyết hoá ứ, nếu không cơ hội xuất huyết càng nhiều hơn.
Độc hoạt ký sinh hoàn hợp với rượu: Thuốc huy phong hoàn, khứ phong thư cân hoàn, độc hoạt ký sinh hoàn, cường cân tráng cốt hoàn là thuốc khứ phong thấp giải đau nhức. Nếu uống với rượu thì hiệu quả của thuốc tăng lên.
Tả lỵ cố tràng hoàn hợp với nước gạo rang: Người mà tỳ vị hư nhược, đường ruột lại bị đau uống thuốc tả lỵ cố tràng hoàn chiêu với nước gạo rang rất hợp, vì nó dẫn thuốc tốt.
Thông tuyên lý phế hoàn hợp với hành trắng: Nước thang hành trắng có tác dụng phát hàn giải biểu (ra mồ hôi thoáng lỗ chân lông), giải độc tán kết, thích hợp với chứng phong hàn ngoại cảm và chứng âm hàn nội thịnh. Khi dùng thái nhỏ hành sắc lấy nước, uống với thông tuyên lý phế hoàn hoặc thuốc giải cảm khác.
Nhân sâm bảo phế hoàn hợp với mật ong: Mật ong vị cam bình, hàm chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng bổ hư, bổ trung, nhuận phổi khỏi ho, nhuận tràng thông đại tiện. Uống nhân sâm bảo phế hoàn chữa bệnh phổi táo ho khan, ruột táo, bí đại tiện loét dạ dày ruột, dùng cùng mật ong thì rất tốt.
Bách hợp hợp với đường phèn: Bách hợp tính bình, vị hơi đắng, có tác dụng thanh tâm nhuận phổi, khỏi ho. Dùng hai vị chung với nhau, làm thành bánh bách hợp đường phèn, dùng để chữa chứng ho khạc ra máu, ho khan, họng đau.
Ngân kiều giải độc hoàn hợp với dưa hấu: Có thể chữa chứng cảm mạo phong nhiệt như đau đầu, ho, đau họng. Dưa hấu có tác dụng thanh nhiệt giải nắng, sinh tân dịch, lợi tiểu. Khi uống thuốc có thể ăn dưa hấu nhằm nâng cao hiệu quả của thuốc.
Dưỡng âm thanh phế hoàn hợp với lê: Dưỡng âm thanh phế hoàn có tác dụng thanh nhiệt dưỡng âm, nhuận phổi, khỏi ho. Lê cũng có tác dụng như vậy. Khi thuốc dưỡng âm thanh phế hoàn có thể uống nước lê để nó dẫn thuốc và nâng cao hiệu quả.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)