Dịp Tết đến xuân về, đi đến đâu cũng thấy rượu, vào nhà ai cũng được mời nâng ly bia, rượu. Chủ nhà làm như vậy để tăng thêm phần long trọng và tỏ lòng mến khách.
Rượu khiến con người hưng phấn hơn, tăng thêm phần ngon miệng, giúp kích thích tiêu hóa. Nhưng uống liên miên dẫn đến say lả lướt thì lại có hại cho sức khoẻ. Xin mách nhỏ một số phương pháp dân gian giúp các bạn chữa say rượu ngày Tết.
|
Ảnh minh họa. |
Trước khi uống rượu bia, không nên để bụng đói. Nên ăn một chút cháo, súp hay uống một cốc nước hoa quả, hoặc một cốc sữa chua. Những thứ trên có chất keo thực vật làm chậm quá trình hấp thu rượu. Trong khi uống, không uống lẫn cả bia với rượu pha với sô đa hay các loại nước ngọt có ga vì ga làm cho chất cồn lan tỏa nhanh khắp cơ thể và sinh ra CO2 rất hại cho dạ dày, gan và thận.
Người đã bị say rượu cần nằm chỗ kín gió. Cho người say uống ngay một cốc nước hoa quả hay nước mía, nước chanh, cam, nước bưởi ép, nước gừng nóng... Những nước đó giúp cơ thể nóng lên, có tác dụng giải rượu. Có thể đun một nắm đỗ xanh hay đỗ đen cho nhừ, cho thêm một chút đường, uống ấm. Cũng có thể dùng rau muống rửa sạch, ép lấy nước cho uống. Hoặc lấy 3 quả mơ và 5g vỏ quýt, đổ 2 bát nước vào sắc lên còn 1 bát cho uống.
Người đã say rượu tuyệt đối không uống cà phê vì cà phê có chất caffein, uống vào lúc này sẽ kích thích tim đập nhanh, gây nguy hiểm cho đại não, làm cho thần kinh hưng phấn, đẩy nhanh tuần hoàn, làm tăng thêm gánh nặng cho tim. Ở nhiều địa phương, người ta còn bôi vôi vào 2 gan bàn chân, cho người say uống nước lá dong (búp non) giải rượu. Nếu bệnh nhân nôn ra được thì thôi, nếu không nôn ra được thì dùng ngón tay lót miếng gạc mỏng kích thích vào họng cho bệnh nhân nôn. Chú ý để bệnh nhân nằm nghiêng để thức ăn không vào phế quản. Sau đó lấy khăn ấm nóng lau mặt và lau hai bàn chân, để bệnh nhân nghỉ ngơi.
Nếu bệnh nhân đau đầu, dùng hai bàn tay bóp nhẹ vùng đầu (không cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau đầu như paracetamol vì sẽ ảnh hưởng đến gan và thận). Day hai huyệt thái dương (nơi đuôi mắt và đuôi lông mày kéo dài gặp nhau), ấn huyệt bách hội (đỉnh đầu), day huyệt ấn đường (giữa cung hai đầu lông mày), sau đó để bệnh nhân nằm nghỉ nơi yên tĩnh, tránh gió lùa.
BSCK I Nguyễn Kim Lan (nguyên cán bộ Viện Châm cứu T.Ư)