1. Giao việc nhà cho con
Có nhiều người mẹ vì "xót con" mà sẵn sàng làm hết mọi việc cho con. Sự "chăm chỉ" của họ vô tình biến những đứa con trở thành những đứa trẻ "khuyết tật". Chúng không biết mở nắp chai nước, không biết gọt cái bút chì, thậm chí cả những việc thuộc phạm trù cá nhân như mặc quần áo, giặt quần áo... Bởi mọi phần việc ấy đã có mẹ lo. Mẹ lười không làm thế. Họ hướng dẫn và giao việc nhà cho con.
Giao việc nhà cho con không chỉ khiến người mẹ "đỡ" được việc nhà mà đó thực sự là cách dạy con hiệu quả. Bởi thông qua làm việc nhà sẽ giúp trẻ học được cách quản lý thời gian, chịu trách nhiệm và kỹ năng tổ chức - tất cả những điều này đều có lợi cho quá trình học tập của con. Nên giao việc và thời hạn cũng như giúp con chọn được phương pháp hoàn thành tốt mọi việc.
|
Ảnh minh họa. |
Để cho trẻ làm việc nhà chính là giúp chúng thành người, bởi qua quá trình làm việc nhà, bọn trẻ không chỉ tích cóp được kỹ năng cho bản thân mà còn hiểu rõ hơn về cách cống hiến sức lực ngay từ khi còn nhỏ.
Nữ tiến sỹ Julie Lythcott-Haims, từng làm việc tại Đại học Harvard cho biết, một khi đã có tinh thần trách nhiệm cùng kỹ năng sống cơ bản, đứa trẻ sẽ có xu hướng lớn lên thành một người tự lập tốt hơn, sẽ là một nhân viên mẫn cán biết phối hợp với đồng nghiệp và có lòng cảm thông sâu sắc với sự việc xung quanh. Phải nuôi được chính mình, sau này mới tính được đến chuyện làm việc lớn!
Giao việc nhà cho con đôi khi khiến người mẹ trở nên bận rộn hơn bởi “tác phẩm” để lại đôi khi không phải là một thành quả mà có thể là một bãi chiến trường mà người mẹ phải bắt đầu lại từ đầu. Bởi thế, một người “mẹ lười”, để có đứa con giỏi, không đồng nghĩa với việc phó thác toàn bộ cho con mà luôn phải giám sát, chỉ bảo và chỉnh sửa.
2. Kích thích tinh thần “thi thố” ở trong con
Rất nhiều người mẹ đã thành công khi áp dụng nguyên tắc này. Chị Hoàng Thu Trang (ở Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại về quá trình mình được nuôi dưỡng mà theo chị “mẹ đã rất giỏi khi luyện chúng tôi nên người dù chỉ có một mình xoay xở với 3 con”.
Theo lời chị Trang: “Ngày các con nhỏ xíu, mỗi tối đi làm về, mẹ chẻ ba bát mía con con đặt ở góc nhà, dặn các con thi xem đứa nào ăn kỹ nhất, mía sạch nước nhất. Thế là cả tiếng đồng hồ, ba đứa trẻ chỉ mải gặm mía quên cả nghịch, còn mẹ rảnh tay để đi nấu cơm, quét dọn. Đến giờ tắm, bố lùa ba đứa trẻ xuống bể nước khu tập thể, cũng "thi" xem đứa nào tắm nhanh và sạch nhất.
Tới lúc 4-5 tuổi, việc trông ba đứa trẻ nghịch suốt ngày còn vất vả hơn nhiều. Thế là mẹ phát động phòng trào "dũng sĩ diệt ruồi". Mẹ bảo bố làm cho mỗi đứa một cái vỉ, ai diệt được nhiều ruồi nhất, đạt chỉ tiêu cuối tuần sẽ có thưởng (thường là một cái bánh rán). Ba đứa chúng tôi quên cả nghịch, cả ngày chỉ lăm lăm cái vỉ trong tay để hoàn thành chỉ tiêu. Nhưng về sau mẹ phát hiện lũ trẻ đều không thể làm tốt nhiệm vụ, nên đã dồn hết ruồi cho một đứa để đủ nhận quà, cuối tuần có bánh lại đem... chia nhau ăn chung".
Nếu gia đình bạn mới đang chỉ có một bé, hãy để trẻ được thi thố với chính mẹ của mình. Cùng nhặt rau thi, cùng rửa bát thi, cùng học bài thi... tất cả sẽ khơi gợi tinh thần thi đấu trong trẻ. Bằng cách đó mẹ không chỉ có một "đồng minh" mà còn có thêm một "chiến binh".
3. “Đẩy con ra đường” từ sớm
Một bà “mẹ lười” sẵn sàng đẩy con ra chợ để chúng tự biết thỏa thuận khi mua bán, sẵn sàng để con tự đi mua món đồ chúng thích, sẵn sàng để con đi học một mình tới trường... Và tất nhiên, mẹ lười sẽ dõi ánh mắt từ xa nếu chưa thật sự tin tưởng vào con mình.
Việc trau dồi các kỹ năng xã hội cũng quan trọng chả kém những kiến thức trong sách vở ở trường lớp. Thay vì nhồi nhét vào đầu con cái hàng đống bài tập về nhà chất cao hơn núi, cần thiết phải dạy trẻ các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giao tiếp với xã hội và quan trọng hơn, họ luôn muốn đứa trẻ va chạm với cuộc sống thực chứ không phải tivi và bốn bức tường.
Các nhà nghiên cứu của Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke cho biết, hơn 700 trẻ em trên khắp nước Mỹ khi được học các kỹ năng xã hội từ nhỏ đều trở thành người thành công khi lớn lên.
4. Tìm sự giúp đỡ khi cần
Và hơn ai hết, "mẹ lười" luôn biết cách tận dụng các nguồn lực sẵn có bởi cô ấy hiểu rằng nuôi con không phải là trách nhiệm của riêng phụ nữ. Ngày nay, các gia đình thông thường chỉ có hai con. Nhưng không vì thế mà bạn ngại ngần khi phải tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết. Đừng nên làm tất cả mọi việc một mình, hãy tìm sự chung tay của chồng và những người xung quanh.
Nuôi một đứa trẻ là công việc vô cùng vất vả nhưng mẹ không phải ôm hết tất cả phần việc về mình. Hãy để chồng chia sẻ bớt gánh nặng, để anh ấy giúp đỡ bạn làm những công việc mà bạn không thể làm được trong giai đoạn khó khăn này như nấu nướng, dọn dẹp, giặt quần áo… Điều này không chỉ giúp mẹ rảnh tay nuôi con nhỏ nhàn hạ mà còn giúp gắn kết tình cảm gia đình hơn.
Trong mắt người khác, bạn có thể là một bà mẹ vụng, một bà mẹ thiếu trách nhiệm, một bà mẹ lười biếng. Nhưng rõ ràng đây là bí quyết của riêng bạn, là sự lựa chọn của bạn để tốt hơn cho con trẻ. Khi trẻ được nuôi dạy bởi những thành viên trong gia đình: Bố mẹ, ông bà, sự phát triển của trẻ cũng sẽ toàn diện hơn về nhân cách và các kỹ năng.
Theo Phương Nghi/Giadinh.net