Gần đây, trên tivi chiếu một bộ phim mà nhân vật nữ chính bị mẹ đẻ ghét cay ghét đắng vì một chuyện trong quá khứ. Tôi không theo dõi thường xuyên, chỉ lướt những phân đoạn ngắn nhưng cũng thấy nhói đau nơi lồng ngực. Bởi tôi cùng cảnh, cũng bị chính mẹ đẻ của mình ghét bỏ dù tôi không biết mình đã làm gì sai.
Tôi là con út trong gia đình có hai chị em gái. Nghe mọi người kể lại, khi bầu tôi, bố mẹ đã rất kỳ vọng tôi là con trai. Thế nên khi tôi chào đời là một đứa con gái, mọi người ai cũng thất vọng, hụt hẫng.
Rồi ngày nhỏ tôi hay ốm phải đi viện, bố mẹ vì thế cũng hay xảy ra cãi vã. Bố tôi nhiều lần bỏ đi qua đêm khiến mẹ rơi vào trầm cảm. Lúc tôi lên 4, gia đình tôi làm ăn thua lỗ, nợ nần. Có lẽ mẹ tôi cho rằng tất cả những xui xẻo đều do tôi gây ra nên bà ghét tôi từ ngày đó.
Ảnh minh họa.
Nhà có hai chị em, tôi lại nhỏ hơn nhưng chưa bao giờ nhận được tình yêu thương âu yếm từ mẹ. Quần áo tôi phải mặc lại của chị, đi học phải dùng lại sách cũ. Bữa ăn, miếng ngon mẹ gắp cho chị, còn tôi ngồi đó như không phải đứa con mà mẹ dứt ruột đẻ ra. Đi chơi ở đâu mẹ cũng chỉ cho chị tôi đi cùng trong khi tôi ở nhà bị mẹ giao làm đủ việc, chẳng khác nào truyện Tấm Cám thời xưa.
Và dĩ nhiên, tuổi thơ của tôi cũng trải qua bao trận đòn roi của mẹ. Có một thời gian, vì thương cháu gái bị đối xử bất công, ông bà ngoại đã đón tôi về nuôi dưỡng. Khoảng thời gian ấy, dù không bị đòn roi, la mắng từ mẹ nhưng tôi cũng không hề vui nổi. Tôi luôn khao khát đến một lúc nào đó, mẹ sẽ thay đổi thái độ với tôi.
Nhưng cho đến tận bây giờ, khi tôi đã gần 30 tuổi, đã có gia đình riêng với một cậu con trai nhỏ, mẹ vẫn ghét tôi như vậy.
Ngày chị gái tôi lấy chồng, mẹ rơi nước mắt lên trao cho chị chiếc kiềng vàng 5 chỉ. Lúc đón dâu, bà quay mặt khóc nhớ thương con gái dù chị tôi lấy chồng ngay gần nhà.
Thế nhưng đến lượt tôi về nhà chồng, mẹ tôi lại nói nhà khó khăn nên chỉ cho tôi được sợi dây chuyền 2 chỉ. Lúc bước chân đi, tôi nước mắt lưng tròng ngoái lại nhìn mẹ nhưng đáp lại là thái độ lạnh lùng đến đáng sợ của bà. Sự ấm ức, tủi hờn cứ thế dâng trào khiến nước mắt tôi tuôn rơi nhiều hơn.
Mẹ đẻ là vậy nhưng may mắn tôi gặp được gia đình nhà chồng tốt, nhất là mẹ chồng tôi. Ngay lúc mới về làm dâu, tôi đã bật khóc khi nghe mẹ chồng nói bà thương tôi khi biết tôi bị chính mẹ đẻ ghẻ lạnh. Bà nói bản thân chỉ có hai đứa con trai nên coi con dâu như là con gái mà bầu bạn, tâm sự.
Chính sự chân thành của bà đã giúp tôi vượt qua được rào cản mẹ chồng nàng dâu mà coi bà như mẹ ruột. Mẹ chồng cũng đối xử với tôi ân cần, nhẹ nhàng khiến tôi như được bù đắp những tình cảm thiếu thốn không được nhận từ mẹ đẻ trong suốt thời gian dài.
Thấy mối quan hệ của tôi và mẹ chồng tốt đẹp, mẹ đẻ lại khó chịu ra mặt. Trước mặt nhà chồng, nhiều lần bà cố tình nói xấu, hạ bệ tôi với mục đích muốn bố mẹ chồng quay sang ghét tôi.
Tôi sinh khó phải mổ rồi ở viện 5 hôm, mẹ đẻ không ở cùng tôi hôm nào. Bà chỉ đến ngó cháu một lúc rồi về. Trong suốt những ngày tôi ở cữ, mẹ đẻ cũng không giặt giúp con tôi cái tã nào.
Vậy mà lần nào đưa con về ngoại, mẹ tôi cũng trách ngược tôi không lo báo hiếu cho bố mẹ đẻ. Biết bà cần tiền, mỗi lần về tôi đều biếu bà vài triệu nhưng bà vẫn đi nói với hàng xóm, tôi lấy chồng có điều kiện nhưng không được nhờ vả điều gì.
Đợt vừa rồi kỷ niệm 40 năm ngày cưới của bố mẹ chồng, vợ chồng tôi có tổ chức cho ông bà một chuyến đi du lịch nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng. Biết chuyện, mẹ tôi gọi điện mắng tôi té tát.
Bà chì chiết tôi bất hiếu, "máu lạnh" vô tình khi chị gái vừa ly hôn chồng còn bản thân lại vui vẻ đi chơi cùng nhà chồng mà không nghĩ gì đến nhà ngoại đang rối ren như thế nào.
Thật lòng đến bây giờ, khi ngồi viết ra những dòng tâm sự này, tôi vẫn không thể hiểu, tại sao mẹ đẻ lại khắc nghiệt với tôi như vậy. Phải chăng, mẹ đẻ muốn tôi phải đau khổ, bất hạnh, bà mới vừa lòng hay sao?
Theo T.T/Gia đình & Xã hội