MC Diệu Linh chia sẻ cô phát hiện mắc ung thư máu giai đoạn 4, từ tháng 6/2018. Người cô dị ứng, nổi nhiều hạch nhưng không đau. Đi khám và nhận giấy báo kết quả, cô giấu gia đình một thời gian.
|
Thời điểm phát hiện bệnh, MC Diệu Linh đã ở giai đoạn 4 ung thư máu thể mãn tính. |
"Trước đây, tôi vô cùng khỏe mạnh, chẳng bao giờ ốm đau. Có thời gian, tôi hay bị mẩn ngứa, dị ứng nhưng xong lại hết. Tôi chỉ nghĩ rằng mình bị dị ứng thông thường. Đi xét nghiệm máu ở một vài bệnh viện tư, kết quả thông báo tôi không mắc bệnh gì. Tuy nhiên, sau này, tôi nổi nhiều hạch ở cổ mà không đau. Thấy có vẻ không ổn, tôi quyết định cùng bạn thân đi khám ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tôi có hơi gợn gợn trong lòng nhưng vẫn nghĩ trong đầu rằng 'chắc ung thư chừa mình ra'. Làm xong một loạt xét nghiệm, tôi với cô bạn đi ăn kem. Nhưng chưa ăn hết cốc kem thì tôi nhận tin dữ từ bác sĩ", nữ MC 9X của VTV chia sẻ.
Thời điểm phát hiện bệnh, Diệu Linh đã ở giai đoạn 4 ung thư máu thể mãn tính - tế bào ung thư chậm phát triển hơn thể cấp tính. Mắc bạo bệnh nhưng Diệu Linh vẫn lạc quan. Trong trường hợp phải ghép tủy, nếu gia đình không có người tương hợp, cô mong cộng đồng có thể giúp mình tìm được người hiến tủy thích hợp.
Ung thư máu là loại ung thư ác tính và là căn bệnh duy nhất không hình thành khối u nhưng khiến nhiều người tử vong. Bệnh ung thư máu xuất hiện 300.000 ca bệnh mới mỗi năm trên thế giới và 220,000 người chết vì căn bệnh này hàng năm.
Ung thư máu xuất hiện khi cơ thể bắt đầu có hiện tượng bạch cầu gia tăng đột biến. Bạch cầu vốn đảm nhiệm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể nên khi tăng số lượng một cách đột biến như vậy, nó sẽ bị thiếu thức ăn cũng như nguồn cấp dinh dưỡng, vì thế bạch cầu sau đó thường ăn chính hồng cầu – thành phần quan trọng của máu.
Các giai đoạn của bệnh ung thư máu
Dựa trên cơ sở di căn, các giai đoạn của bệnh ung thư máu được chia thành 4 giai đoạn khác nhau để từ đó bác sĩ đưa ra phác đồ, tiên lượng sống phù hợp với từng bệnh nhân, từng giai đoạn.
Các giai đoạn của bệnh ung thư máu bao gồm:
Giai đoạn 1
Đây là giai đoạn mở rộng các hạch bạch huyết do sự gia tăng đột ngột của thành phần lympho. Theo các bác sĩ, trong các giai đoạn của bệnh ung thư máu, giai đoạn này có tỉ lệ chữa khỏi cao nhất bởi các tế bào ung thư chưa lây lan rộng, ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào khác.
Giai đoạn 2
Sau khi các lympho gia tăng trong máu chúng bắt đầu sản sinh với số lượng đột biến khiến cho ung thư máu bắt đầu lây lan đến lá lách, gan và hạch bạch huyết. Mặc dù không phải các bộ phận này bị ảnh hưởng cùng một lúc nhưng chúng từ từ bị xâm lấn và mất dần khả năng phòng vệ, miễn dịch trong cơ thể.
Trong các giai đoạn của bệnh ung thư máu, người bệnh ở giai đoạn 2 có thể điều trị bằng cách thay tủy.
Giai đoạn 3
Do sự tăng lên của bạch cầu nên bệnh nhân bị ung thư máu có tình trạng thiếu máu, các tế bào ung thư đã xâm lấn sang các cơ quan khác, ít nhất hai bộ phận trong cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở các giai đoạn của bệnh ung thư máu, đây là giai đoạn biểu hiện rõ nhất bằng các triệu chứng như nhiễm trùng thường xuyên, khó thở, phát ban, nổi mụn hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu trên cơ thể
Giai đoạn 4
Đây là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm và khó điều trị, người bệnh đến giai đoạn này có tỷ lệ sống không cao. Tỷ lệ tiểu cầu bắt đầu giảm nhanh chóng, đồng thời các tế bào ung thư đã lây lan đến phổi.
Quy trình thực hiện ghép tế bào gốc (ghép tủy) chữa ung thư máu
Cấy ghép tế bào gốc hay còn gọi là ghép tủy là quá trình thay thế các tế bào máu gốc bất thường của một người bằng những tế bào máu gốc khỏe mạnh từ người khác (người hiến tặng). Tế bào gốc được truyền vào bằng đường tĩnh mạch, sau đó di chuyển trong mạch máu và tìm đến với tủy xương, phát triển và tạo các tế bào máu cần thiết cho cơ thể.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh máu ác tính, nhưng cho đến nay, ghép tế bào gốc tạo máu vẫn là phương pháp có hiệu quả, mang lại hy vọng chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân bị nhóm bệnh này. Ghép tế bào gốc tạo máu bao gồm ghép tự thân và ghép đồng loài. Ghép tự thân thường được chỉ định cho các bệnh như đa u tủy xương, u lympho ác tính... đã lui bệnh 1 phần hoặc hoàn toàn sau hóa trị, nhằm hồi phục tủy xương sau hóa chất liều cao. Ghép đồng loài áp dụng cho các bệnh lý bạch cầu tủy cấp, bạch cầu lympho cấp.
|
Ghép tủy là phương pháp điều trị ung thư máu hiệu quả nhất. |
Quy trình ghép gồm 3 bước:
Bước 1: Bệnh nhân sẽ được khám và xét nghiệm một vài ngày trước khi cấy ghép. Trong quá trình nằm viện, bác sĩ sẽ đặt một ống vào tĩnh mạch lớn ở ngực của người bệnh. Ống này được gọi là catheter tĩnh mạch trung ương. Nó cho phép bác sĩ dễ dàng truyền dịch hoặc lấy máu để xét nghiệm.
Bước 2: Để giúp cơ thể người bệnh chuẩn bị cấy ghép, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân liều hóa trị cao và có thể là xạ trị. Phương pháp điều trị này sẽ giúp phá hủy các tế bào gốc bị hư hỏng trong tủy xương. Nó cũng ức chế hệ miễn dịch của cơ thể để không tấn công các tế bào gốc mới sau khi ghép. Một số người có thể thực hiện nhiều hơn một chu kỳ hóa trị trước khi cấy ghép.
Bước 3: Thủ thuật cấy ghép tế bào gốc giống như truyền máu. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ đưa tế bào gốc vào máu của người bệnh qua đường tĩnh mạch trung tâm. Một khi các tế bào gốc vào trong cơ thể, nó sẽ đi đến tủy xương và bắt đầu tạo ra hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu mới. Quá trình cấy ghép sẽ mất nhiều hơn một giờ, bao gồm thời gian để chuẩn bị phẫu thuật, cấy ghép và kiểm tra sau phẫu thuật.
Chi phí ghép tuỷ ra sao?
Hiện nay, chi phí cho mỗi ca ghép tủy là khác nhau. Trung bình, người bệnh phải chuẩn bị ít nhất một số tiền từ 200 – 300 triệu đồng cho một ca cấy ghép tự tế bào gốc tự thân. Đối với ghép tế bào gốc đồng loại (nguồn tế bào gốc sẽ được lấy từ người hiến tặng) thì chi phí có thể lên đến 600 triệu đồng.
Cụ thể, chi phí ghép tế bào gốc tạo máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương dao động khoảng 500-600 triệu đồng, trong đó Bảo hiểm ý tế chi trả 60%. Trong khi đó, chi phí ghép tế bào gốc tự thân ở Singapore lên đến 100.000 USD. Và 150.000 đến 200.000 USD cho ca ghép tế bào gốc đồng loạt. Con số này đắt hơn 10 lần so với mức chi phí ghép tế bào gốc ở Việt Nam.
Sau khi ghép tủy, bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép. Thời gian kéo dài từ 9 tháng đến một năm. Tuy nhiên, sau ghép cũng có những biến chứng như bệnh ghép chống ký chủ (người cho và nhận xung khắc) hoặc biến chứng nhiễm trùng… Với một ca ghép đồng loại, chi phí trung bình là 400-600 triệu đồng, nếu ít biến chứng thì sẽ ít chi phí hơn.
Điều đáng mừng là hiện nay thuốc ức chế miễn dịch đã được bảo hiểm y tế chi trả.
Thảo Nguyên (TH)