Mất việc sát Tết, con dâu òa khóc khi mẹ chồng làm điều này

Google News

Tôi bỗng òa khóc nức nở. Đến lúc này thì tôi chắc chắn bà đã biết chuyện tôi mất việc.

Còn chưa đầy 1 tháng nữa là Tết, vậy mà tôi bị mất việc. Công ty khó khăn nên cắt giảm mỗi bộ phận vài người. Quyết định có hiệu lực chỉ vài ngày sau đó. 

Mặc dù việc này công ty đã thông báo rục rịch đến nửa năm nhưng vẫn là một cú sốc với những người nằm trong danh sách như tôi.

Vợ chồng tôi có 2 đứa con đang tuổi ăn học. Chồng tôi làm cho một công ty tư nhân, thu nhập 15 triệu/tháng. Mỗi tháng, thu nhập của 2 vợ chồng đủ tiền trả nợ mua nhà, tiền học cho các con và ăn uống chi tiêu hàng ngày ở mức tiết kiệm nhất, hầu như chẳng dư ra được đồng nào.

Bây giờ thu nhập của tôi mất hẳn, ít nhất vài ba tháng nữa để tìm công việc mới. Năm nay tôi hơn 30 tuổi, cũng không phải là tuổi có thể dễ dàng tìm được một công việc mới. 

Tôi tâm sự với chồng. Anh động viên và nói sẽ đi vay tạm bạn bè ít tiền để đủ chi tiêu đến Tết. Còn sau đó, chúng tôi sẽ phải xoay xở bằng khoản tiền thưởng Tết của anh cho đến khi tôi có việc mới. 

Mat viec sat Tet, con dau oa khoc khi me chong lam dieu nay

Mẹ chồng ở quê làm một việc khiến con dâu bật khóc. Ảnh minh họa: Người lao động

Ngày nhận tin bị cho thôi việc, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi cũng chỉ tâm sự với chồng. Nhưng tôi không biết anh đã kể chuyện đó cho mẹ.

Sau khi nhận tin xấu được vài ngày, mẹ chồng tôi gọi điện, bảo muốn lên Hà Nội thăm cháu.

Tôi cũng thấy lạ vì quê bà ở miền Trung, rất hiếm khi bà chủ động lên chơi, phần vì ngại tàu xe, phần vì tham công tiếc việc ở nhà. Bố mẹ chồng tôi vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn nên ở quê ông bà vẫn nuôi gà, trồng rau, thả cá để không phiền con cháu. 

Khi taxi đến đầu ngõ, bà gọi con dâu ra xách giúp ít đồ. Tôi hơi ngạc nhiên vì mọi khi bà tiếc tiền chỉ dám đi xe ôm. Hóa ra lần này bà mang lên mấy chiếc thùng xốp đồ ăn, nào là thịt, cá, rau củ quả… Từng con cá, mớ rau đều được bà làm sạch, gói ghém cẩn thận. 

Tôi hỏi “bọn con sắp về ăn Tết rồi, sao mẹ mang nhiều đồ lên thế?”. Bà bảo, “toàn đồ bố mẹ nuôi trồng được, để tủ đá ăn dần, không phải tốn tiền đi chợ con ạ. Ăn từ nay đến Tết cũng hết”. 

Hôm đó, thấy tôi ở nhà không đi làm, bà cũng chẳng hỏi han gì, coi như không hề biết chuyện. Nhưng trong những câu chuyện vu vơ, bà hay nói những câu rất tích cực như thể động viên tôi. “Còn người còn của con ạ! Cứ có sức khỏe thì làm gì cũng được!”.

Bà cũng kể năm nay ông bà được mùa cả ao cá lẫn đàn gà. “Sát Tết bán đi cũng được vài chục triệu con ạ! Nên năm nay, con cứ để bố mẹ lo, không cần quà bánh gì về quê cho lỉnh kỉnh. Quê ta có hết, mua ở thành phố làm gì cho đắt đỏ ra”.

Tôi nghe bà nói vậy cũng chỉ biết vâng dạ, thầm nghĩ thật may mẹ chồng cũng mở lời, chứ Tết năm nay đúng là chúng tôi sẽ không quà cáp được cho ông bà như những năm trước.

Ba ngày trôi qua nhanh chóng, bà lại bắt xe khách về quê. Tôi đưa bà ra bến xe. Trước khi đi, bà còn nhắn nhủ: “Tết về quê sớm với mẹ. Về quê còn có bố mẹ, anh chị em, không bao giờ phải lo chết đói. Mẹ bàn với bố mày rồi, ra Tết mẹ lấy được một khoản tiền chơi họ, cho 2 thằng Bi, Bo đóng học”. 

Nghe mẹ chồng nói mà tôi rơm rớm nước mắt. Đúng lúc vợ chồng khó khăn nhất thì được gia đình đùm bọc, chẳng còn gì quý hơn.

Nhưng khi về đến nhà, tôi mới phát hiện ra một thứ còn bất ngờ hơn. Khi loanh quanh dọn dẹp nhà cửa tôi thấy dưới cái cốc uống nước có một chiếc phong bì. Tôi mở phong bì ra thì thấy bên trong là một xấp tiền, tôi đếm được 15 triệu đồng. Phía ngoài phong bì, ghi dòng chữ: “Bà cho Bi, Bo tiền mua quần áo Tết”.

Tôi bỗng òa khóc nức nở. Đến lúc này thì tôi chắc chắn bà đã biết chuyện tôi mất việc. Mười mấy năm làm dâu bà, tôi chưa biếu bố mẹ chồng được cái gì có giá trị ngoài chút quà bánh ngày lễ Tết. 

Xúc động trước hành động của mẹ chồng, tôi ngồi nhắn tin kể cho chồng nghe. Tấm lòng này của bà, chắc chắn tôi sẽ nhớ mãi, không bao giờ quên.

Theo Độc giả giấu tên/VietNamNet