Trong sách Đông y, cà tím thường được sử dụng để chữa bệnh. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cà tím có khả năng chống lại ung thư. Bởi trong cà tím có chứa solanie, cucurbitacin, stachydrine, choline và các ancaloit, trong đó solanie, cucurbitacin là 2 thành phần đã được xác nhận có tác dụng chống ung thư.
Theo Medical News Today, một bát cà tím nấu chín có trọng lượng khoảng 99g chứa 35 calo, 0,82g protein, 8,64g carbohydrate, 0,23g chất béo, 2,5g chất xơ, 6mg canxi, 1mg natri, 188mg kali, 0,12mg kẽm, 1,3mg vitamin C, 0,25mg sắt, 11mg magie, 14mcg folate, 15mg phốt pho, 85mcg vitamin B6 và 2,9mcg vitamin K.
Hoa cà tím, gốc cà tím, nước ép từ cà tím cũng đều là những loại thuốc tốt cho sức khỏe. Vào thời cổ đại đã ghi lại trường hợp dùng gốc cà tím chữa trị u bướu.
Cà tím cũng rất giàu chất dinh dưỡng, chúng có lượng vitamin A và C tương đương với cà chua, riêng protein và canxi còn cao gấp 3 lần so với cà chua.
Cà tím có nhiều chất xơ có thể làm giảm lượng đường trong máu bằng cách làm chậm tốc độ tiêu hóa và hấp thu đường trong cơ thể. Sự hấp thu chậm này giữ cho lượng đường trong máu của bạn ổn định và ngăn chặn sự tăng đột biến lượng đường trong máu.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nói rằng sự hiện diện của polyphenol trong cà tím có thể làm giảm sự hấp thu đường và tăng tiết insulin.
Lớp vỏ ngoài của cà tím giàu chất xơ, kali và magiê và chất chống ôxy hóa. Trong thực tế, phenolic có trong cà tím giúp cà tím được xếp hạng là 1 trong số 10 loại rau hàng đầu về khả năng hấp thụ oxy gốc tự do.
Nghiên cứu mới nhất cho hay, chất polyphenol trong cà tím đã được tìm thấy có khả năng chống ung thư. Anthocyanins và axit chlorogenic có tác dụng tương tự như chất chống ôxy hóa và các hợp chất chống viêm. Chúng bảo vệ tế bào cơ thể khỏi bị hư hại do các gốc tự do và lần lượt ngăn chặn sự tăng trưởng của các khối u cùng sự lây lan của tế bào ung thư. Chúng cũng kích thích các enzym giải độc trong các tế bào và làm chết tế bào bào ung thư.
Tuy nhiên, khi ăn cà tím, chúng ta cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Trong cà tím có chất là solanine, có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư. Tuy nhiên, cà tím lại có tác dụng kích thích mạnh lên các trung tâm hô hấp, có tác dụng gây mê, vì thế có thể gây ngộ độc nếu ăn quá nhiều.
- Chất solanine không tòa tan nhiều trong nước, vì thế xào nấu, đun sôi và các phương pháp khác không thể phân hủy được chất này. Vậy nên, để hóa giải chất này khi nấu cho thêm một chút giấm vào.
- Cà tím là thực phẩm có tính hàn nên có thể làm tổn thương dạ dày. Vậy nên, những bà bầu có vấn đề về dạ dày không nên ăn cà tím.
- Những bà bầu có tiền sử bệnh thận cũng không nên ăn cà tím. Bởi cà tím chứa lượng oxalate cao, đây vốn là loại axit có trong thực vật mà nếu được ăn quá nhiều thì dễ gây sỏi thận.
- Cà tím tiềm ẩn tính chất gây dị ứng và bộc phát ở một số người quá mẫn cảm. Cụ thể là hiện tượng ngứa ngoài da và miệng sau khi ăn cà tím. Nguyên do được xác định là trong cà tím có chứa một loại protein và một số chất chuyển hóa có tác dụng như một loại histamin hàm lượng cao. Vì vậy, chúng ta cần chú ý khi ăn cà tím, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Theo Người đưa tin