1. Ung thư đại tràng đang có xu hướng trẻ hóa
Thay vì thường gặp ở độ tuổi ngoài 50 thì hiện nay, căn bệnh ung thư đại tràng đang có xu hướng trẻ hóa, gia tăng mạnh từ độ tuổi ngoài 30 đến 45.
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K Trương ương cho biết, ung thư đại tràng là căn bệnh ung thư phổ biến xếp thứ 5 trong các nhóm ung thư ở Việt Nam. Theo Tiến sĩ, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5 trường hợp ung thư đại tràng, đặc biệt có những bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ khối u khi chỉ 12, 13 tuổi.
Trong khi đó, ThS BS. Phạm Công Khánh, Phó trưởng Khoa Nội soi Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết hiện nay 55% bệnh nhân ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Điều này cho thấy, việc phẫu thuật chưa thể giải quyết hoàn toàn khối u, mà phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tinh thần và kinh tế của người bệnh, gia tăng áp lực điều trị lên bệnh viện.
2. Lối sống phản khoa học là căn nguyên gây bệnh
Cũng theo TS Bình, ung thư đại tràng có nhiều nguyên nhân, trong đó ăn uống là nguyên nhân hàng đầu. TS Bình cũng chỉ ra lối sống phản khoa học, ăn uống theo phong cách công nghiệp, thích ăn thực phẩm chế biến có mối quan hệ mật thiết với ung thư đại tràng.
Cũng dựa trên các nghiên cứu, ăn uống thiếu lành mạnh là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư gan.
TS Bình cũng chỉ ra, 57% người trưởng thành ở Việt Nam có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO. Trong khi người Việt ăn nhiều thịt và uống nhiều rượu bia hơn nhóm bình thường, thậm chí ăn thịt gấp nhiều lần so với người Nhật, uống rượu bia ở mức nguy hại, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia đứng hàng đầu thế giới; béo phì tăng nhanh từ 12% lên 17,5% từ năm 2012 đến 2015; thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc và tử vong vì thuốc lá cao nhất thế giới...
Như vậy, lối sống thiếu khoa học của người Việt là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ mắc ung thư đại tràng ở Việt Nam ngày càng gia tăng và tốc độ trẻ hóa diễn ra rất nhanh trong 5 năm gần đây.
Mặc dù ăn uống là thói quen hàng đầu gây ra bệnh ung thư đại tràng, tuy nhiên tuổi tác và di truyền cũng là nguyên nhân thứ yếu, mặc dù chỉ chiếm 3-4%.
3. Dấu hiệu ung thư đại tràng mơ hồ, khó nhận biết
Cũng theo TS Bình, ung thư nói chung và ung thư đại tràng nói riêng thường có những biểu hiện mơ hồ, thậm chí không có triệu chứng khiến người bệnh rất khó nhận biết để phát hiện sớm, do vậy người bệnh thường phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, lúc này điều trị rất khó khăn.
TS Bình nhấn mạnh, ở giai đoạn sớm, ung thư đại tràng có thể khiến người bệnh lầm tưởng với những bệnh lý đường tiêu hóa thông thường. Tuy nhiên, nếu chú ý có thể nhận ra một số bất thường dưới đây, đồng thời quan sát thời gian, tần suất gặp những triệu chứng này.
- Đi ngoài dưới 3 lần 1 tuần (hiện tượng táo bón), nếu hiện tượng này thường xuyên diễn ra, cần đi khám hoặc kiểm ra chức năng để tìm căn nguyên gây bệnh.
- Đau bất thường ở vùng bụng, rối loạn tiêu hóa: Thường nhẫm lần với những cơn đau dạ dày, ban đầu có thể là ợ chua, sau đó đau tức vùng bụng, co thắt dạ dày.
- Bất thường trong phân: Chẳng hạn phân nhỏ, dẹt, phân lẫn máu có khả năng ruột đang gặp phải những vật cản như khối u, polyp khiến hình dạng và kích thước phân thay đổi. Đặc biệt ung thư đại tràng thường có hiện tượng đi ngoài lẫn máu (cần phân biệt máu ở trong phân với bệnh trĩ, hoặc rách hậu môn bằng cách kiểm tra sức khỏe nếu thấy nghi ngờ).
TS Bình cũng nhấn mạnh, những bệnh nhân ung thư không chỉ ung thư đại tràng, thường giảm cân rất nhanh, mệt mỏi, giảm cân nhiều dù không ăn kiêng hay tập thể dục gắng sức.
Những dấu hiệu của ung thư đại tràng thường dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý ở đường tiêu hóa, việc phát hiện muộn khiến điều trị khó khăn và giảm cơ hội sống cho bệnh nhân; nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới 90%.
4. Phòng tránh chủ yếu bằng chế độ ăn và thói quen tầm soát định kỳ
Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường rau xanh và học cách ăn uống lành mạnh, TS Bình cũng nhấn mạnh việc tầm soát là vô cùng cần thiết trong việc phát hiện ung thư đại tràng. Tại Châu Á, ung thư đại tràng phát triển nhanh trong 3 thập kỷ gần đây, trẻ hóa trong 10 năm trở lại đây. Cho nên, việc tầm soát ung thư đại tràng cần thực hiện từ độ tuổi ngoài 30 đến 45 tuổi, thay vì 50 tuổi như trước đây. Nội soi đại tràng, dạ dày, có thể phát hiện các bất thường, khối u hoặc polyp.
Tầm soát ung thư đại tràng thường không có nhiều nhược điểm, so với các vị trí nội soi khác thì các biến cố do nội soi ung thư đại tràng không có nhiều trên các bệnh nhân. Do vậy đây là phương pháp an toàn và giúp người bệnh phát hiện chính xác căn bệnh mà mình đang gặp phải để có phương hướng điều trị kịp thời.
Ngoài nội soi, TS Bình cho biết, các bệnh viện hiện nay đều có các phòng thực hiện xét nghiệm phân, tìm máu ẩn trong phân hoặc chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác hơn. Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, thực hiện kỹ thuật DNA hoặc hóa miễn dịch phân để tầm soát ung thư đại trực tràng, giúp phát hiện sớm những tổn thương trong dạ dày hoặc đại tràng.
Theo Phunuvietnam