Phóng viên Khoa học và Đời sống, thuộc báo Tri thức & Cuộc sống, đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM xung quanh các gói hậu Covid-19.
Các gói khám hậu Covid-19: “Bánh vẽ”
Các gói khám sức khỏe Hậu Covid-19 được thiết kế với nhiều chỉ định xét nghiệm, chi phí lên tới vài triệu đồng. Cơ quan chức năng có kiểm soát được việc này không?
Hiện nay, Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TPHCM đang chấn chỉnh việc này. Và khám hậu Covid-19 thật ra không có “gói” nào hết. Chẳng qua, một số nơi lợi dụng hậu Covid-19 để “chém” bệnh nhân mà thôi.
|
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM |
Vậy theo bà, các vấn đề hay tình trạng sức khỏe hậu Covid-19 là gì?
Theo tôi, sau khi bị Covid-19, bệnh nhân có thể bị stress, không ngủ được, suy nhược cơ thể, đau cơ, teo cơ, ho, khó thở…
Bệnh nhân bị triệu chứng hay gặp vấn đề sức khỏe nào, có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thì nên đi khám tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ khám và có những chỉ định thực hiện các cận lâm sàng và điều trị phù hợp.
Những đối tượng cần đi khám hậu Covid-19
Theo bà, những đối tượng nào cần đi khám hậu Covid-19?
Nhiều nơi đã lạm dụng và thực hiện tầm soát toàn bộ, đặc biệt là một số dịch vụ kỹ thuật cao trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh như CTscan, MRI, doppler màu... Nhưng các gói khám này bản chất giống như một bộ khám sức khỏe định kỳ. Nhưng đối với hậu Covid-19, một số chuyên gia sợ nặng nhất là bị tình trạng đông máu nên cần xét nghiệm kỹ hơn để kiểm tra nguy cơ tăng đông, hình thành huyết khối. Đặc biệt, chú trọng đến người từng mắc Covid-19 nặng, người lớn tuổi và có bệnh nền.
Hoặc, bệnh nhân bị ho nhiều, khó thở là triệu chứng hay gặp hậu Covid-19. Vì vậy, người bệnh có nhu cầu đi khám hậu Covid-19 cứ đến bệnh viện khám chuyên khoa như bình thường như mất ngủ, teo cơ, khó thở, liên quan đến vấn đề vận động, suy nhược thần kinh, vàng mắt - vàng da…
|
Bệnh nhân đi khám chuyên khoa sau hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. |
Nhiều bệnh viện thường chỉ cho bệnh nhân nội trú làm các dịch vụ kỹ thuật cao như MRI; hoặc đối với bệnh nhân mắc các bệnh cơ xương khớp hoặc ngoại thần kinh, tái khám nhiều lần nhưng không đỡ, các bác sĩ mới cân nhắc trong chỉ định; hay bệnh nhân tai nạn giao thông… cần mổ cấp cứu.
Còn nếu cứ đi theo lời quảng cáo trên mạng, với các gói khám sức khỏe hậu Covid-19, người ta sẽ tầm soát toàn bộ từ đầu đến chân, đôi khi không cần thiết và có thể quá mức đối với tình trạng sức khỏe của từng người.
Khi có vấn đề về sức khỏe sau mắc Covid-19, người dân nên tới đâu khám?
Hiện nay, gần như toàn dân đã được chích văcxin ngừa Covid-19, có thuốc điều trị bệnh và chuẩn bị đưa Covid-19 trở thành một bệnh truyền nhiễm thông thường.
|
Lãnh đạo BHXH TPHCM khuyến khích người dân nên đi khám tại các cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo BHYT khi có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe sau Covid-19. |
Vì vậy, các gói khám hậu Covid-19 chủ yếu để thu tiền của bệnh nhân.
Những bệnh nhân nằm lâu để điều trị Covid-19 thường gặp các vấn đề về hô hấp, teo cơ có thể đi tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu. Những đối tượng có bệnh nền nếu mắc Covid-19 nặng có thể kiểm tra liên quan đến chuyển hóa, xơ vữa, huyết khối…
Đặc biệt, cơ quan bảo hiểm xã hội đang chi trả BHYT trên mức độ bệnh tật, nghĩa là đóng theo mức lương hoặc mức lương cơ sở, nhưng được thụ hưởng trên mức độ bệnh tật, theo danh mục quy định. Nhiều bệnh không phải chi trả nhiều, nhưng cũng có những trường hợp chi phí lên tới vài tỷ đồng, như rối loạn yếu tố 8 trong huyết học.
Do đó, người dân nên đi khám tại các cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo BHYT khi có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe sau Covid-19.
Xin cảm ơn bà!
Khánh Phương (thực hiện)
Lý do gửi tin nhắn phần tiền thanh toán chi phí khám chữa bệnh
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, bảo hiểm xã hội chỉ thống kê phần theo giá nhà nước, nên nếu người bệnh đến khám tại một cơ sở tư nhân, phòng khám đó sẽ thu thêm phần chênh lệch. Ví dụ, công khám, ngoài phần tiền BHYT thanh toán, tùy từng cơ sở, sẽ thu thêm 50.000 - 100.000đ.
Một số xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật, các phòng khám tư nhân sẽ thu theo giá của từng đơn vị. Ví dụ, tổng phân tích tế bào máu bằng máy đếm tự động, theo quy định Nhà nước là 60.000đ; nhưng của cơ sở tư nhân có thể thu 70.000đ, 80.000đ, 90.000đ… Phần chênh lệch không nằm trong giá quy định của Nhà nước.
Người bệnh phải chi trả được tính như sau: Ví dụ, tiền khám tại phòng khám tư nhân là 100.000đ, BHYT sẽ trả 29.000đ. Tự động, người bệnh phải trả 71.000đ, sau đó, trong 29.000đ, người bệnh nếu thuộc diện vẫn còn đi làm sẽ đồng chi trả 20% nữa.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể còn phải đóng thêm cho cơ sở khám chữa bệnh tư nhân một khoảng chênh lệch khi thực hiện vài dịch vụ kỹ thuật như siêu âm, một số kỹ thuật xét nghiệm.
Vì vậy, phần tin nhắn gửi về cho người sử dụng thẻ BHYT là phần đồng chi trả theo giá quy định của Nhà nước.Mô tả video
>>> Mời độc giả xem thêm video Không thể để bệnh nhân Covid-19 tử vong tại nhà do chậm trễ, từ chối cấp cứu:
Khánh An