Rau thối trong tiếng dân tộc Thái được gọi là cây pắc nam, là một loại rau dại mọc hoang trong rừng, thuộc họ dây leo, có lá kép xanh thẫm và mọc đối xứng. Thân cây rau thối dài, cành, lá có nhiều gai nhọn và chồi non có nhiều phiến lá. Các phiến lá này khá nhỏ, hơi dài, cụp vào với nhau và đồng thời cũng là phần ngon nhất để chế biến món ăn.
Nguyên nhân rau thối có tên này là vì cây có một mùi hôi nồng nàn và đặc trưng. Tuy nhiên, vào độ tháng 3 - tháng 7 ở các khu vực vùng núi Tây Bắc như tỉnh Sơn La, Điện Biên, Yên Bái... người dân bản địa sẽ đi hái ngọn và lá non của cây về, sau đó sử dụng làm thảo dược hoặc chế biến thành những món ăn ngon lành, dân dã nhưng độc đáo.
Nếu trước đây rau thối chỉ được coi là một loại rau dại ít được để ý tới thì nay loại rau dại này khiến nhiều thượng khách có tiền cũng chưa chắc đã mua được
Đặc biệt, theo kinh nghiệm của những người Thái thì rau thối ngon nhất là khi vừa mới được hái khỏi cây. Bởi khi ấy mùi hương (thối) và độ giòn của rau thối sẽ là ngon nhất. Độ giòn cũng như mùi hương sẽ bị giảm dần theo thời gian.
Vì vậy nếu muốn thưởng thức được trọn vẹn vị ngon của loại rau dại này thì bạn nên chế biến chúng ngay sau khi vừa mới hái trên cây xuống.
Cứ mỗi mùa rau thối đến, anh Trần Mạnh Hòa (quê ở Yên Bái, hiện đang sinh sống ở Hà Đông, Hà Nội) lại hào hứng chia sẻ những đặc sản được chế biến từ rau thối - loại rau dại đặc sản của quê hương anh với bạn bè mình.
Cuối tháng 3 là thời điểm bắt đầu vào mùa rau thối và kéo dài đến khoảng tháng 7, tháng 8. Đọt rau thối không to mập mạp cũng chẳng mỡ màng như nhiều loại rau khác. Tuy nhiên, cái màu xanh bọc lấy từng lá non của rau thối lại gói gọn cả tinh hoa của núi rừng trong đó.
Có kinh nghiệm lâu năm "săn" sản vật núi rừng, chị Huế - một người yêu thích đặc sản rau thối Tây Bắc chia sẻ rằng, chọn rau thối ngon chỉ cần chọn rau còn tươi là được. Bởi bà con khi hái đi bán cũng hái phần non rồi. Lá già của rau thối rất dai không ăn được nên bà con cũng tránh không hái.
Rau thối lá nhỏ, lại non, dễ rụng nên bà con không bán theo cân vì rất hao. Trên phiên chợ, bà con chỉ bán rau thối theo mớ. Sản lượng mọc rừng của rau thối cũng không lớn. Nhiều người mua về bán dưới thành phố cũng không đủ cung cầu.
Khi nhặt rau thối cần lưu ý chút vì phần đọt có gai nhỏ nhưng khá mềm. Ngắt lấy phần ngọn non. Phần còn lại tuốt ngược lấy lá, giống với nhặt rau ngót.
Rau thối - loại rau dại đặc sản của quê hương Tây Bắc, ăn một lần là nhớ.
Đặc biệt, chia sẻ với phóng viên Dân Việt về vị ngon của loại rau có mùi thum thủm này, anh Trần Mạnh Hòa còn cho biết chi tiết thêm: "Không chỉ sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, rau thối đồng thời còn được xem là một loại thảo dược giúp chữa bệnh xương khớp và có công dụng giải nhiệt rất tốt, chính vì thế mà đã thu hút nhiều khách du lịch thành thị đến thăm Tây Bắc, đồng thời ưa chuộng sử dụng loại cây này vào các dịp hè nóng nực, oi bức".
"Ngoài ra, cũng nhờ khả năng giải nhiệt như đã nói, rau thối còn là một vị thuốc thiên nhiên giúp chữa các bệnh về gan, thận và dạ dày vô cùng hiệu quả, bởi rau có khả năng giảm thiểu tình trạng bị dư thừa axit trong dạ dày và đồng thời khắc phục các tình trạng như ợ chua, ợ nóng, đắng miệng, đau dạ dày,..." - anh Hòa tiếp lời.
Tuy chỉ là một loại rau dại dân dã, thế nhưng rau thối có thể được sử dụng để chế biến thành những món ăn vô cùng hấp dẫn, điển hình như: rau thối nộm cà gai thịt lợn sấy, canh rau thối đuôi heo, rau thối xào măng, rau thối nhồi cá nướng,... Mỗi một món đặc sản được chế biến từ rau thối đều có những hương vị rất riêng không lẫn vào đâu được.
Theo Thảo Linh/Dân Việt