Quần jeans là loại trang phục mang đến vẻ phủi bụi, mạnh mẽ nhưng không kém phần năng động khi được phối cùng bất cứ loại trang phục nào. Jeans có lịch sử rất lâu đời, xuất phát điểm "tầm thường" nhưng đã trở thành trang phục phổ biến toàn cầu.
Quần jeans bắt nguồn từ đâu?
Lịch sử của chiếc quần jeans bắt đầu vào năm 1848 khi công cuộc đào vàng bùng nổ tại California và nhiều nhân công đến đây làm việc với mong muốn thay đổi cuộc sống gia đình.
|
Những chiếc quần jeans đầu tiên do Levi Strauss thiết kết riêng cho những người thợ đào vàng tại California. |
Tuy nhiên, họ lại băn khoăn không biết có thể tìm ở đâu một loại quần vừa bền, nhưng cũng phù hợp với thời tiết và điều kiện làm việc khắc nghiệt tại các mỏ vàng.
Năm 1853, một người đàn ông tên Levi Strauss rời khỏi New York để chuyển đến sinh sống tại San Francisco, California nhằm tìm kiếm vận may như nhiều người khác. Tuy nhiên, ông đã không tìm được bất cứ thứ gì và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh một cách tình cờ.
Vào một ngày nọ, một người thợ than phiền với Strauss rằng anh ta không thể mua được loại quần nào đủ bền để phục vục cho công việc đang làm. Từ đó, người đàn ông này suy nghĩ: "Tại sao không thử chế tạo ra mẫu quần nào đúng với ước nguyện của những người nhân công này, mà vẫn kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày".
Ông bắt đầu thiết kế chiếc quần jeans đầu tiên bằng những tấm vải dựng lều trại. Chỉ trong một ngày, Strauss đã bán hết toàn bộ trang phục làm ra, cũng như kiếm được nhiều tiền hơn từ sự nhạy bén của mình.
Sau đó, Strauss mua một loại vải chéo mềm hơn nhưng có độ bền tương tự. Loại vải này có nguồn gốc từ Nîmes, một thành phố ở Pháp, còn được gọi là "Serge de Nîmes". Những người thợ mỏ thích loại vải này hơn và họ gọi nó là "denim" (từ de Nîmes).
|
Levi Strauss đặt tên cho thiết kế là “waist overalls”, sau này được mọi người gọi là quần jeans. |
Ông đã tiếp tục nhuộm vải denim thành màu xanh để tránh bị bám bẩn khi các nhân công làm việc. Những chiếc quần jeans huyền thoại ra đời từ đó.
Nhận ra tính chất công việc nặng nhọc, Jacob Davis - một thợ may và khách hàng của Levi Strauss - nảy ra ý tưởng đóng đinh tán cố định trên những chiếc túi giúp quần jeans bền hơn khi làm việc.
Vào năm 1872, Jacob đã viết thư đề nghị Strauss trả tiền về sự sáng tạo của mình và người đàn ông này đã đồng ý. Ngày 20 tháng 5 năm 1873, Strauss và Davis được nhận bằng sáng chế cho mẫu quần jeans huyền thoại.
Sự lan toả của quần jeans
Từ sau khi Levi Strauss sáng chế ra quần jeans đầu tiên dành cho công nhân đào vàng, loại trang phục này dần phổ biến và lan tỏa rộng rãi toàn thế giới. Ông bắt đầu biến tấu quần jeans phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thời bấy giờ cùng kiểu dáng sành điệu.
Chúng bắt đầu được lăng xê nhiều hơn vào thế kỷ 20, khi Hollywood làm phim về những chàng cao bồi cùng hình ảnh chiếc quần jeans bụi phủi thể hiện tinh thần đậm chất hoang dã miền Tây nước Mỹ.
Chưa dừng lại ở đó, những người lính từ khắp nơi trên thế giới còn thường xuyên mặc quần jeans khi không làm nhiệm vụ. Điều đó giúp loại trang phục này trở nên phổ biến hơn bên ngoài biên giới nước Mỹ.
|
Quần jeans bắt đầu trở nên phổ biến vào thập niên 20 khi được lăng xê trong những bộ phim về đề tài cao bồi miền tây nước Mỹ. |
Quần jeans bắt đầu trở thành biểu tượng của các nước phương Tây từ năm 1960, khi nhiều sinh viên đại học sử dụng mỗi lúc đến trường với những kiểu dáng biến tấu như thêu, vẩy sơn cùng các màu sắc nổi bật hơn, nhằm thể hiện phong cách thời trang và cá tính riêng của mình.
Những mẫu quần jeans dành cho phụ nữ cũng đã bắt đầu được chú ý không chỉ bởi sự tiện dụng mà còn nhờ thiết kế ôm sát cơ thể, giúp tôn vóc dáng. Xuất hiện muộn nhưng loại trang phục này lại có những bước phát triển vượt bậc và đa dạng.
Thập niên 80 là thời kỳ đỉnh cao của quần jeans, khi nhiều nhà thiết kế tên tuổi bắt đầu cho ra mắt các bộ sưu tập dành riêng cho nam và nữ.
Cho đến những năm 2000, quần jeans không còn "hot" như xưa nhưng vẫn luôn xuất hiện đều đặn trong các show diễn thời trang với những biến tấu và kiểu dáng mới lạ hơn.
Không chỉ thế, đây được xem như loại trang phục cần thiết cho mọi người khi dễ dàng phối hợp cùng nhiều item thời trang khác nhau, cũng như thể hiện hình ảnh mạnh mẽ, cá tính.
|
Dù qua mùa mốt nào thì quần jeans luôn được xem như loại trang phục không thể thiếu trong tủ quần áo của những tín đồ yêu thời trang. |
Quy trình chế tạo ra một chiếc quần jeans
Để mang đến một sản phẩm hoàn hảo, những người thợ phải dành hàng giờ liền cùng nhiều công đoạn tỉ mỉ nhằm cho ra đời mẫu quần jeans với phom dáng cứng cáp.
Quá trình sản xuất bắt đầu bằng việc thu hoạch bông rồi nhuộm sang màu chàm để giúp sản phẩm giữ màu lâu hơn. Sợi bông sẽ được phủ keo một lớp mỏng để tăng độ bền và trở nên cứng cáp hơn. Sau đó, sợi nhuộm được dệt trên thoi để tạo thành chất liệu vải mang tên denim.
Chúng tiếp tục được hoàn thiện bằng cách loại bỏ chỉ thừa để giúp vải không bị xoắn và co. Sau đó, vải denim được xếp thành nhiều lớp dày và cắt theo phom dáng có sẵn nhằm tạo ra các chi tiết của quần jeans.
|
Sợi bông sau khi được nhuộm và dệt sẽ trở thành những loại vải mang tên Denim. |
Để tạo ra một chiếc quần jeans, các thợ may phải ghép hơn 10 miếng vải khác nhau như túi, thân quần, đai quần... Tại thời điểm này, chiếc quần jeans vẫn chưa thể xuất xưởng. Sau khi may xong, chúng được mang đi nhuộm nhiều màu sắc khác nhau, được độ mài, xử lý sờn hay rách.
Giai đoạn hoàn thiện cuối cùng bao gồm đính nút, may nhãn mác, ủi và đóng gói rồi được chuyển tới cửa hàng tiêu thụ.
Theo Thiên Minh/Zing.vn