Lấy chồng được hẳn "5 mẹ chồng" và ứng xử tuyệt vời của con dâu

Google News

Mẹ chồng cô vốn là chị cả trong gia đình có 5 chị em gái. Thế có nghĩa là đi lấy chồng, ngoài mẹ chồng, cô còn phải "nhìn sắc mặt" cả 4 dì nhà chồng...

Lấy chồng xuất thân trong một gia đình công chức ở thủ đô, Trang xác định ngay từ đầu rằng cuộc sống hôn nhân sẽ chẳng dễ thở tẹo nào. Trang thuộc tuýp phụ nữ hiện đại, năng động, tự chủ tài chính. Tính cách cô khá ổn, chỉ phải cái hơi thẳng và thật quá thôi. Trước khi cưới, hội "chị em bạn dì" dặn Trang là với nhà chồng nên mềm mỏng, khéo léo hơn, nên sửa đổi một chút. Nhưng cô nghĩ mình có sao sống vậy, không thể vì muốn bình yên mà ép bản thân gắng gượng.
Từ đầu đã chuẩn bị tâm lý nhưng cuộc sống thực ở nhà chồng vẫn làm Trang bị sốc. Gia đình chồng cô đều là người tốt tính nhưng phải cái bố mẹ chồng Trang gia trưởng, thậm chí phong kiến. Mẹ chồng cô vốn là hình mẫu người phụ nữ thời xưa chịu thương chịu khó, đảm đang hy sinh. Trong nhà, bà thường nhận phần thiệt về mình và đương nhiên cũng đòi hỏi con dâu hành xử như mình. Những ngày đầu làm dâu, tờ mờ sáng bà đã lên phòng hai vợ chồng gọi con dâu dậy cùng đi chợ, chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, pha trà pha cà phê rồi cả nhà cùng dùng bữa. Trang cũng cố gắng thích nghi, nhưng được 3 ngày cô đã đầu hàng.
"Bà ơi con không dậy sớm được đâu! Dậy sớm quá, con đi làm cả ngày buồn ngủ, chẳng làm được gì, cứ thế này người ta đuổi việc con mất! Sáng sớm bà cứ ở nhà ngủ thêm, cuối tuần vợ chồng con đi chợ mua đủ thực phẩm cả tuần. Ăn sáng cũng không nhất thiết phải cả nhà quây quần, hôm nào được nghỉ bọn con cố gắng dậy sớm cùng ông bà dùng bữa", Trang thẳng thắn nói với mẹ chồng.
Ảnh minh họa 
Nghe con dâu nói vậy, bà giận cô mấy ngày, phải đến khi chồng Trang lên tiếng thì bà mới chịu nhượng bộ. "Ông bà không cần ngủ chứ bọn con đi làm về mệt, cần nghỉ ngơi mới có sức lao động", anh nhẹ nhàng nói với ông bà. Trước đó, Trang cũng đã thẳng thắn phân tích với chồng và anh cho là cô có lý. Nhưng đấy mới là cửa ải đầu tiên ở nhà chồng đối với Trang, những vấn đề sau đó còn khó đối phó hơn rất nhiều.
Mẹ chồng cô vốn là chị cả trong gia đình có 5 chị em gái. Thế có nghĩa là, ngoài mẹ chồng, cô còn phải "nhìn sắc mặt" cả 4 dì nhà chồng. Hồi mới nghe chuyện Trang "khởi nghĩa" giành quyền ngủ nướng buổi sáng cho hai vợ chồng, các dì chồng nghe chuyện, phán "con bé này ghê gớm". Trang biết nhưng thây kệ, tập trung làm việc của mình. Nhiều lúc cả nhà đông đủ, Trang không những được 1 mà cả 5 "mẹ chồng" cùng lúc giáo huấn xem làm dâu, làm con thì phải làm sao.
Nhớ tới lời khuyên của hội chị em, Trang ban đầu cũng gật gù dù không thể ép mình hùa theo toàn bộ. Nhưng tần suất phải "nghe giảng" ngày một nhiều khiến cô không chịu được nữa. Có lần Trang nửa đùa nửa thật: "Cháu từ nhỏ đã chẳng nhu mì, văn dốt võ dát, không khéo léo được. Các dì có con dâu tha hồ yêu cầu chứ cháu chịu. Chồng cháu thấy dùng không được thì anh ấy trả cháu về địa phương, lúc ấy cháu xin chịu". Thấy Trang bướng, nói mãi không nghe còn trêu lại các dì, mà trêu cũng chẳng quá đáng, khó bắt bẻ nên các "mẹ chồng" đành chào thua.
Chuyện đó nho nhỏ chẳng nói làm gì, nhưng cơn ác mộng tiếp theo đến với Trang cũng vẫn liên quan đến 4 người dì ấy. Chẳng là mấy chị em nhà mẹ chồng cô đều lấy chồng thủ đô, gần nhà nhau nên có "văn hóa" tụ tập cuối tuần. Thứ 7 hoặc Chủ nhật hàng tuần, đều như vắt chanh, gia đình của 4 người dì đều kéo đến nhà Trang ăn uống nhậu nhẹt. Dì nào cũng có tuổi rồi nên con cháu đề huề, số mâm cỗ lên đến 4-5 mâm là chuyện thường. Cái đáng nói là bữa nào cũng như bữa nào, sát giờ ăn mọi người mới xuất hiện; ăn xong lại lục tục xin phép về sớm. Thành thử ra việc nấu nướng, dọn dẹp toàn mẹ chồng Trang và Trang cáng đáng.
Hồi đầu Trang thấy cũng vui vui, hay hay, vì đại gia đình có cơ hội gặp gỡ trò chuyện, gia tăng tình cảm. Cô cũng có em gái, nên hiểu tâm lý mẹ chồng thương các em, muốn gần gũi các em. Nhưng việc cứ mãi là "ban tổ chức" khiến cô phát mệt. Đến tận lúc Trang có bầu tình hình cũng chẳng cải thiện tẹo nào. Một ngày nọ, do "tức nước vỡ bờ", Trang ngồi ngay ngắn, thẳng thắn nói chuyện cùng bố chồng:
"Ông cũng thấy gia đình nào giờ cũng đông đúc. Các em dưới con đều lấy lí do con mọn nên đến muộn, về sớm. Ông bà và các dì đều có tuổi, sức khỏe có hạn. Bọn con còn khỏe, nhưng đi làm chỗ chính chỗ phụ cũng kiệt sức, vậy mà cuối tuần nào cũng nai lưng tổ chức hội hè. Người giúp việc ông bà không cho thuê vì không muốn có người lạ trong nhà. Con biết ông bà muốn gần gũi người thân, con cũng thích cả nhà họp mặt, nhưng mình có thể đổi sang hình thức khác. Nay con kiến nghị việc tập trung ăn uống cuối tuần vẫn duy trì, nhưng mỗi nhà luân phiên nhau cho công bằng ông ạ!".
Bố chồng Trang là người của thế hệ trước nhưng thấu tình đạt lý. Nghe vậy, ông gật gù cho là phải, bèn bàn với mẹ chồng. Việc tụ tập từ đó được tổ chức luân phiên, mỗi tuần ở một nhà khác nhau rồi quay vòng. Được vài bữa, mọi người bắt đầu kêu rằng oải quá vì phải dọn dẹp nhiều. Rồi tần suất tụ tập ở nhà nhau cứ thưa dần, thưa dần...
Được một thời gian, mẹ chồng Trang và các dì chồng nhớ nhau, thèm tiệc tùng, liền bàn nhau họp mặt trở lại, nhưng là... đưa nhau đi nhà hàng. Trang thấy vậy thì cười thầm trong lòng. Đến giờ, mỗi dịp giỗ chạp hay gặp mặt đầu năm, cô vẫn cùng mẹ chồng tiếp đón đoàn "đại biểu gia đình" đến nhà, sẵn sàng phục vụ mọi người từ A - Z. Hôm nào vui vẻ và khỏe mạnh, Trang hăng hái vào bếp làm cơm đãi mọi người. Hôm nào mệt quá, cô gọi nhà hàng giao đồ đến. Ai góp bao nhiêu thì góp, còn lại Trang hoặc chồng cô chi. Thế là cả làng đều vui.
"Nhật ký sống chung với nhà chồng" của Trang còn nhiều "chương" nữa với biết bao kịch tính. Nhưng cô tự nhủ quan trọng là mình cứ chân thành, có vấn đề gì là thẳng thắn trao đổi với người nhà chồng để tìm cách giải quyết. Bản thân cô đồng thời cũng cố gắng tự chủ, khiến mọi người tôn trọng, có tiếng nói trong nhà. Được thế thì 1, 4 hay 10 "mẹ chồng" cũng chẳng còn là vấn đề nữa!
Theo TTVN