Chào độc giả mục gia đình,
Mấy ngày qua theo dõi những câu chuyện, chia sẻ của mọi người về việc thách cưới, tôi đã rất bất ngờ khi đọc được bài viết "Cuộc dàn xếp ổn thỏa ngay trước lễ ăn hỏi của 2 bên thông gia" vì tôi đã thấy được hình ảnh năm xưa của mình.
Tôi những tưởng mình là trường hợp may mắn có 1-0-2 khi được nhà vợ cứu nguy, đích thân đưa tiền để trả tiền thách cưới, ai ngờ cũng có người tương tự. Tuy nhiên, khác với trường hợp trong bài viết, người đứng ra cứu nguy cho tôi là bố vợ chứ không phải mẹ vợ.
Tôi xin kể lại câu chuyện của mình như để chia sẻ một kỷ niệm đẹp trong ngày trọng đại của cuộc đời mình.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi nghèo, xuất thân trong gia đình bố mẹ tứ đời đều làm nghề nông nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhưng bù lại tôi là người học hành khá xuất sắc từ nhỏ nên ngay sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã được một công ty nước ngoài mời về làm việc.
|
Ảnh minh họa. |
Cũng chính tại đây tôi đã gặp cô ấy, người vợ hiện tại của tôi. Thú thực, những ngày đầu gặp cô ấy tôi không bao giờ nghĩ có thể chơi cùng chứ không nói đến việc yêu bởi chúng tôi quá khác nhau. Cô ấy là gái phố cổ Hà Nội gốc, sành điệu và cá tính còn tôi vẫn chân chất, tối ngày chỉ biết lao đầu vào công việc. Thế nhưng, sau này khi làm việc cùng nhau, chúng tôi lại nhận thấy có rất nhiều điểm tương đồng.
Chúng tôi có những tháng ngày yêu đương đẹp đẽ nhưng khi cô ấy đưa tôi về nhà ra mắt thì tôi đã không được mọi người trong nhà cô ấy đánh giá cao vì lý do tôi là trai tỉnh lẻ. Tôi vẫn còn nhớ như in cái lườm nguýt của mấy cô em họ và đặc biệt, nhìn thái độ của mẹ vợ tương lai, tôi biết bà không thích tôi.
Tôi biết, rất nhiều lần bà khuyên con gái không nên lấy một người quê mùa, chân chất như tôi nhưng với một người cá tính như cô ấy, mọi lời ngăn cản đâu có ý nghĩa nhiều.
Biết thuyết phục con gái không được, một chiều bà đích thân gọi tôi đến nhà nói chuyện. Bà nói thẳng rằng, bà không muốn con gái lấy tôi vì sợ rằng cuộc sống chung sẽ khó có thể kéo dài khi mà cô ấy thì quen ăn sung mặc sướng từ nhỏ, yêu cầu cuộc sống rất cao trong khi nhìn điều kiện tôi, đến nhà còn phải đi thuê thì lấy đâu ra sức lo cho cô ấy cuộc sống tốt.
Chưa kể, cô ấy thì có lối sống như bà nói là “quý tộc” biết chơi piano, biết khiêu vũ, ngoại ngữ thành thạo trong khi tôi đến đường Hà Nội còn chưa rành. Bà sợ chúng tôi khó mà sống chung lâu dài được.
Dẫu vậy, chúng tôi vẫn tự đi xem ngày, tự thuê nhà và về báo với gia đình hai bên chuẩn bị tổ chức đám cưới.
Gàn không được, mẹ vợ tôi tỏ ra rất khó chịu với tôi. Lúc nào gặp tôi mặt bà cũng hằm hằm, chẳng nói chẳng rằng. Hôm tôi đưa bố mẹ sang nhà gái dạm ngõ, dù bà vẫn chuẩn bị mọi việc chu đáo nhưng nhìn thái độ của bà, tôi biết bà làm mọi việc trong sự miễn cưỡng mà thôi.
Câu chuyện hai bên đang diễn ra vui vẻ thì bất ngờ mẹ vợ tôi tuyên bố rằng truyền thống nhà bà là khi gả con gái bao giờ cũng thách cưới cao. Bà bảo giờ đến lượt gả con, bà cũng sẽ làm theo truyền thống đó.
Và khi nghe số tiền thách cưới là 50 triệu đồng, thú thực tôi cũng choáng váng. Còn bố mẹ tôi thì chỉ cần nhìn mặt thôi cũng đủ biết rất sốc. 50 triệu đồng với người thành phố có thể giản đơn nhưng với bố mẹ tôi cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời thì đó là số tiền không nhỏ. Trong nhà tôi chưa khi nào có nổi 20 triệu tiền mặt.
Lời thách cưới của mẹ vợ khiến không chỉ gia đình tôi mà gia đình cô ấy cũng bất ngờ. Vợ và cả bố vợ tôi khi đó cũng không nghĩ mẹ tôi lại đưa ra mức tiền ấy bởi trước đó theo thống nhất của cả nhà cô ấy là sẽ không thách cưới.
Dẫu bất ngờ nhưng nhà tôi cũng cố gắng để xoay xở tiền bằng mọi giá. Tuy nhiên, ngày dạm ngõ chỉ cách ngày ăn hỏi có 5 hôm nên để xoay xở thêm vài chục triệu với gia đình tôi cũng không phải giản đơn. Hồi đó, khi đang lúng túng chưa biết xoay xở ra sao thì một tối, bố vợ tương lai gọi điện cho tôi hẹn đi uống cà phê.
Và trong câu chuyện dài dòng ông nói ý rằng ông biết việc nhà gái thách cưới hôm trước là làm khó nhà trai. Ông bảo đó hoàn toàn là ý của mẹ vợ tôi và ông cũng bất ngờ. Ông vỗ vai tôi ý bảo: "Đừng chấp đàn bà làm gì". Và ông dúi vào tay tôi một bọc tiền lớn bảo rằng: "Cầm tạm lấy để lo liệu mọi việc, coi như bố phát vốn cho vợ chồng con".
Lần đầu tiên nghe ông xưng bố con và đưa khoản tiền lớn cho tôi mà thú thực tôi cảm động đến lặng người. Tôi còn xúc động hơn nữa khi biết rằng để giữ không khí gia đình yên ấm, ông đã âm thầm đến gặp và đưa tiền cho tôi.
Lễ ăn hỏi và đám cưới của chúng tôi diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp. Đến giờ, chúng tôi đã có cuộc sống đủ đầy, đời sống kinh tế vương giả nhưng thú thực mỗi lần nhớ đến khoản tiền 50 triệu đồng bố vợ phát vốn để đi hỏi vợ mà tôi vẫn rưng rưng xúc cảm.
Theo Người Đưa Tin