“Cắm cờ” Việt Nam trên bản đồ ghép khí quản thế giới
Ngày 7/8, Bệnh viện Việt Đức công bố các thầy thuốc tại đây đã phẫu thuật ghép khí quản từ đoạn khí quản của người cho chết não kết hợp với phẫu thuật tạo hình thực quản hẹp. Đây là ca bệnh hiếm gặp, phức tạp lần đầu tiên được điều trị thành công tại Việt Nam.
TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, các bác sĩ của bệnh viện đã thành công ghép khí quản bằng đoạn khí quản của người cho chết não (đoạn homograft) kết hợp với phẫu thuật tạo hình thực quản hẹp cho nam thanh niên L.V.N (25 tuổi, Thanh Hóa) bị tổn thương phức tạp, hẹp dài khí quản sát thanh môn, rò và hẹp thực quản sau chấn thương tai nạn giao thông.
Lần đầu tiên Việt Nam ghép khí quản và phẫu thuật tạo hình thực quản hẹp hiếm gặp trong y văn - Ảnh BVCC
Đây là một trong những ca ghép khí quản kết hợp với phẫu thuật tạo hình thực quản cổ hiếm gặp trong y văn thế giới và lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.
"Thành công của ca bệnh này đã thêm khẳng định trình độ chuyên môn của các thầy thuốc tại bệnh viện ngoại khoa lớn nhất miền Bắc này. Bệnh viện chính thức "cắm cờ" Việt Nam trên bản đồ ghép khí quản thế giới. Đồng thời cũng góp phần khẳng định thêm trình độ, uy tín và thương hiệu của ngành y tế Việt Nam."- TS.BS Dương Đức Hùng nói.
TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, với thành công này, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chính thức “cắm cờ” Việt Nam trên bản đồ ghép khí quản thế giới.
Gần 2 năm không ăn được bằng đường miệng, cuộc sống dường như bế tắc
Trước đó, tháng 7/2022, bệnh nhân bị L.V.N (25 tuổi, Thanh Hóa) bị tai nạn giao thông được chấn đoán đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, chấn thương ngực kín, chấn thương gan, được phẫu thuật kết hợp xương hàm mặt, vùng cổ và điều trị bảo tồn các cơ quan tổn thương khác.
Sau mổ người bệnh được theo dõi và điều trị hồi sức tích cực (có mở khí quản: tạo một lỗ ở cổ để thở mà không thể thở qua đường mũi như thông thường), khi ổn định thì bệnh nhân được chuyển về bệnh viện địa phương điều trị tiếp.
Một tháng sau khi mở khí quản, người bệnh được hội chẩn điều trị bảo tồn xét nong và đặt stent khí quản thất bại sau đó phẫu thuật cắt nối khí quản tại một cơ sở y tế tại Hà Nội nhưng không thành công do tổn thương phức tạp và hẹp trên một đoạn khí quản dài (sau khoảng 2 tháng xuất hiện khó thở và phải mở lại khí quản vĩnh viễn).
Các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca phẫu thuật - Ảnh BVCC
Trong thời gian điều trị hẹp khí quản cổ vừa qua, khi chưa phải mở khí quản vĩnh viễn, bệnh nhân ăn uống hoàn toàn bình thường qua đường miệng và đi tiêm thuốc chống tạo sẹo vào vị trí khí quản bị hẹp (bệnh nhân tiêm 6 mũi, mỗi mũi cách nhau từ 1 - 2 tháng).
Đến tháng 5/2023, sau mũi tiêm thứ 6 người bệnh xuất hiện chảy dịch sữa qua chỗ mở khí quản, được các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa chẩn đoán rò khí – thực quản tại vị trí tiêm chống tạo sẹo của khí quản và tiến hành mở thông dạ dày nuôi ăn. Bệnh nhân vẫn được thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Việt Đức.
Trong thời gian gần 2 năm qua, bệnh nhân không ăn được bằng đường miệng (mà phải ăn bơm qua mở thông dạ dày), không thở qua đường mũi mà thở qua đường mở khí quản ở cổ (thường xuyên loét chảy máu và nhiễm trùng tại vị trí mở khí quản).
Bố bệnh nhân (người luôn theo sát con mỗi lần đi khám bệnh và điều trị) và gia đình rất bi quan về tương lai của một chàng trẻ đang sức làm việc nhưng giờ bị tàn phế. Cuộc sống dường như bế tắc...
Lần đầu tiên Việt Nam ghép khí quản và phẫu thuật tạo hình thực quản hẹp hiếm gặp trong y văn - Ảnh BVCC
Theo các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức, đây là một trong những ca ghép khí quản kết hợp với phẫu thuật tạo hình thực quản cổ hiếm gặp trong y văn thế giới và lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.
Ca ghép khí quản và phẫu thuật tạo hình thực quản hẹp hiếm gặp thành công, mở ra tương lai cho chàng trai trẻ
Các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức cho biết, kết quả kiểm tra nội soi thực quản cho thấy đoạn hẹp hoàn toàn cách cung răng trên 16cm; miệng thực quản nhẵn, đưa ống soi xuống khoảng 2cm, lòng thực quản có tổ chức sẹo hẹp vòng quanh, gây hẹp toàn bộ chu vi, máy soi 4mm không qua được, tình trạng hẹp không được cải thiện sau nong;
Đồng thời khi nội soi khí quản đưa ống soi qua đường mũi thấy có dấu hiệu nghi ngờ liệt dây thanh âm, không quan sát được khí quản đoạn dưới dây thanh, không đưa được ống nội soi qua mở khí quản do không đưa qua được do mở khí quản nhỏ;
Cùng đó, chụp cắt lớp vi tính hạ họng - thanh quản cho thấy hình ảnh vỡ khung sụn thanh quản gây chít hẹp lòng thanh quản, đã mở khí quản ngang mức cột sống cổ IV, V; Tổn thương đoạn khí quản dài khoảng 6,5cm tới sát thanh môn.
Trước những thương tổn phức tạp của người bệnh, các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã hội chẩn liên chuyên khoa (tai mũi họng, tiêu hoá, phẫu thuật lồng ngực, phục hồi chức năng, gây mê hồi sức, ngân hàng mô, dinh dưỡng….) thống nhất tiến hành phẫu thuật hai thì:
- Thì một phẫu thuật tạo hình cắt – nối đoạn thực quản cổ bị hẹp hoặc tạo hình thực quản bằng đoạn đại tràng;
- Thì hai phẫu thuật tạo hình đoạn thanh môn kết hợp ghép đoạn khí quản cổ bằng đoạn khí quản của người cho chết não.
Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng của ekip các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Việt Đức, ngày 11/4/2024, người bệnh được tiến hành phẫu thuật tạo hình cắt - nối thực quản cổ, cắt đoạn sẹo xơ khí quản và chuẩn bị hai đầu khí quản sẵn sàng cho lần phẫu thuật thì 2.
Tiếp đó, ngày 13/05/2024, người bệnh được phẫu thuật thì hai ghép khí quản cổ bằng khí quản của người cho chết não kết hợp với đặt stent khí quản, chuyển vị cơ ức đòn chũm hai bên che phủ đoạn khí quản ghép.
Sau một thời gian điều trị tích cực, người bệnh được ra viện và trở về nhà vào ngày 25/6/2024.
Bệnh nhân đã được khám lại với thể trạng tốt - Ảnh BVCC
Bệnh nhân đã được khám lại sau 1 tháng với thể trạng tốt (bệnh nhân tăng được 5kg), sẹo mổ liền tốt, bệnh nhân ăn uống được bằng đường miệng và tự thở qua đường mũi trở lại.
Kết quả soi thực quản và khí quản: sẹo mổ liền tốt, đoạn khí quản ghép màu hồng không sung huyết không hoại tử, không hẹp.
Sau khám lại 3 tháng bệnh nhân đã tăng được 10kg với thể trạng toàn thân khỏe mạnh, tự thở qua mũi, tự ăn qua đường miệng. Bệnh nhân dự định sẽ được rút stent khí quản vào tháng thứ 5 - 6.
Tình trạng hiện tại của bệnh nhân và bố bệnh nhân thay đổi hoàn toàn: Bệnh nhân tăng cân trở lại, sức khỏe tiến triển tốt, ăn được bằng đường miệng và thở bằng đường mũi như bình thường; Cả bệnh nhân và gia đình lạc quan trở lại, vui vẻ, không khí gia đình cũng vì thế mà hết căng thẳng mệt mỏi.
Thách thức trong ngành ngoại khoa và giới y học trên thế giới
Theo TS.BS Dương Đức Hùng cho tới hiện nay, phẫu thuật ghép khí quản nói chung và phẫu thuật ghép đường thở nói riêng vẫn còn là một thách thức trong ngành ngoại khoa và trong giới y học trên thế giới.
Có nhiều báo cáo ngắn hạn về phẫu thuật ghép đoạn khí quản nhưng kết quả rất khiêm tốn và còn nhiều thách thức và chưa có một phương pháp nào hiệu quả nhất để xử trí loại hình tổn thương này (tổn thương đoạn khí quản dài trên 6cm).
Cụ thể: Chọn vật liệu ghép như thế nào? Vấn đề nuôi dưỡng đoạn khí quản ghép ra sao? Chăm sóc sau ghép như thế nào? Thuốc chống thải ghép có cần sử dụng hay là không?...
"Tất cả các vấn đề trên đã được đặt ra trong quá trình hội chẩn dưới sự chủ trì của Giám đốc Bệnh viện Việt Đức"- TS Hùng nói.
TS.BS Dương Đức Hùng cùng các thầy thuốc và bệnh nhân - Ảnh BVCC
Đồng thời ông Hùng cũng nhấn mạnh thêm: Ca lâm sàng của Bệnh viện Việt Đức có tính chất phức tạp rất nhiều do có hai tổn thương cùng một lúc (cả khí quản và thực quản) ở một bệnh nhân trẻ tuổi với tương lai còn dang dở phía trước; Rồi vấn đề chọn phương pháp xử lý hai loại tổn thương này như thế nào? Thời điểm tiến hành? Phương án chăm sóc sau phẫu thuật…đã được tính toán kỹ và có kết quả tốt.
"Với kết quả của bệnh nhân này sẽ mở ra một viễn cảnh tươi sáng cho những bệnh nhân có tổn thương đoạn khí quản dài trên 6cm (do chấn thương, hẹp bẩm sinh hoặc u...) có thể phục hồi trở lại đường thở tốt nhất"- TS.BS Dương Đức Hùng nhấn mạnh.
Hiện nay, Bệnh viện Việt Đức với đội ngũ nhân lực chất lượng cao cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng kết hợp với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế và tầm nhìn xa của lãnh đạo Bệnh viện, ghép tạng là một trọng tâm phát triển.
Theo đó, ngoài việc triển khai thường quy hơn nữa ghép đa tạng gan, tim, thận, phổi, bệnh viện sẽ triển khai nhiều các loại ghép khác trong thời gian tới, trong đó có ghép khí quản, ghép tuỵ, ghép ruột….mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh nhân mà trước kia không thể có được....
Thúy Nga