|
Nuôi dạy trẻ thiên tài là một điều rất quan trọng nếu muốn các em phát triển hết tiềm năng. |
Một ngày hè nóng nực năm 1968, giáo sư Julian Stanley gặp gỡ Joseph Bates, một cậu học trò 12 tuổi với vẻ mặt chán chường. Bates là một thần đồng ở lớp toán học nên bố mẹ cậu phải gửi con trai theo học một khóa khoa học máy tính tại đại học Johns Hopkins. Giáo sư Stanley để ý tới Bates vì khả năng vượt trội của cậu trò nhỏ. Bates giỏi hơn tất cả sinh viên trong lớp và còn tự học thêm ngôn ngữ lập trình FORTRAN và dạy cho sinh viên cùng khóa cho…đỡ chán.
Thầy giáo máy tính không biết nên làm gì với Bates nên đã giới thiệu cậu học trò tới giáo sư Stanley. Ông là một nhà nghiên cứu nổi tiếng về trắc nghiệm học tâm lý –môn khoa học đánh giá khả năng nhận thức. Để hiểu hơn về tài năng của Bates, giáo sư Stanley cho cậu làm thử bài kiểm tra SAT dành cho lứa tuổi 16-18 thi vào đại học ở Mỹ.
Kết quả nằm ngoài dự đoán của Stanley khi Bates thừa điểm chuẩn để đỗ vào đại học danh giá Johns Hopkins. Quá phấn khích trước đứa trẻ thần đồng Bates, Stanley quyết định tìm kiếm những học sinh thần đồng có khả năng vượt trội về toán và khoa học. Sau đó, Stanley gửi Bates, 13 tuổi vào đại học Johns Hopkins để theo học như một sinh viên thực thụ.
Stanley coi Bates là học sinh đầu tiên trong Nghiên cứu về Thần đồng toán học trẻ tuổi (SMPY), kéo dài hơn 45 năm và thu thập dữ liệu của 5.000 sinh viên top đầu nước Mỹ. Giáo sư Stanley không muốn chỉ nghiên cứu những sinh viên, học sinh xuất chúng này mà ông muốn phát triển tài năng của các em lên một đẳng cấp hoàn toàn mới. Nuôi dạy thần đồng là thứ khiến Stanley quan tâm hơn cả.
|
Einstein được xem là một thiên tài nhưng không được giáo dục đúng cách ở trường. |
Có một điều không thể phủ nhận rằng những sinh viên, học sinh top đầu luôn vượt trội hoàn toàn trong xã hội. Nhiều nhà khoa học, công nghệ hàng đầu ngày nay từng được nuôi dưỡng trong chương trình ươm mầm từ những năm 1980 ở đại học Johns Hopkins.
Trung tâm ươm mầm dành riêng cho những sinh viên đạt điểm thuộc top 1% xuất sắc nhất trong các kì thi vào đại học ở Mỹ. Nhà toán học Terence Tao, Lenhard Ng, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, đồng sáng lập Google Sergey Brin hay ca sĩ Lady Gaga là những thiên tài như vậy. Họ đều trải qua trung tâm ươm mầm khi còn niên thiếu.
“Dù chúng ta có thích hay không, những thiên tài vẫn kiểm soát xã hội”, Jonathan Wai, nhà tâm lý học ở Chương trình Nhận diện Thiên tài tại đại học Duke, bang North Carolina, Mỹ, nhận định.
Theo quan điểm của người đứng đầu SMPY, năng lực nhận thức khi còn nhỏ ảnh hưởng nhiều hơn tới thành tích sau này so với các yếu tố môi trường như kinh tế-xã hội hay luyện tập chăm chỉ. Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của nuôi dạy thiên tài trong thời điểm nước Mỹ chú tâm vào cải thiện năng lực học sinh kém.
|
Christopher Langan, thiên tài có chỉ số IQ cao hơn cả Einstein chấp nhận sống đời bình thường ở trang trại ngựa. |
Tháng 3/1972, Stanley tập hợp được 450 em tuổi từ 12 đến 14 trong khu vực Baltimore để kiểm tra đầu vào bài thi SAT. Đây là lần đầu tiên một kì thi chuẩn hóa được dùng để tìm kiếm thiên tài.
“Ngạc nhiên đầu tiên là rất nhiều em nhỏ giải được các bài toán mà chúng chưa từng được học ở trường”, nhà tâm lý Daniel Keating, nghiên cứu sinh đại học Johns Hopkins, nói. “Ngạc nhiên thứ hai là nhiều em có điểm vượt quá mức chuẩn để nhập học vào các đại học danh tiếng”.
Khi Stanley nghiên cứu, ông có rất ít cơ hội tiếp xúc thiên tài nên ông quyết định tự tạo cho mình một “vườn ươm” tài năng. Ban đầu, nỗ lực của ông chủ yếu dựa trên từng trường hợp riêng lẻ. Bố mẹ những em nhỏ thần đồng sẽ gặp Stanley khi đọc bài báo của ông về cậu trò Bates.
Nói về Bates, chỉ sau vài năm áp dụng cách nuôi dạy của Stanley, ở tuổi 17 cậu đã hoàn thành bằng thạc sĩ khoa học máy tính và lúc đó đang kiếm bằng thạc sĩ thứ hai ở đại học Cornell. Sau khi trở thành giáo sư ở đại học Carnegie Mellon, Bates trở thành người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
“Tôi luôn ngại ngùng và áp lực xã hội ở trường học khiến tôi không thể phát triển”, Bates, giờ đây 60 tuổi, nói. “Ở trường đại học, nơi có những thiên tài về khoa học và toán, tôi thực sự như cá gặp nước dù tôi nhỏ hơn họ khá nhiều. Tôi có thể phát triển theo tốc độ trí lực của bản thân. Tốc độ học nhanh khiến tôi rất hứng thú”.
|
Nghiên cứu của giáo sư Stanley nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dạy thiên tài đúng cách. |
Học tăng tốc là một trong những ưu điểm của nghiên cứu SMPY áp dụng cho các thiên tài. Năng lực trí não và khả năng tiếp thu vượt trội giúp các em cảm thấy thích thú khi theo đuổi tri thức. Học nhanh cũng giảm được khá nhiều chi phí đào tạo. “Những đứa trẻ thần đồng không cần thứ gì quá sáng tạo hoặc khác biệt”, Lubinski, đồng nghiên cứu dự án SMPY, nói. “Chúng chỉ cần tiếp cận sớm với những thông tin dành cho học sinh lớn tuổi hơn”.
Nhiều bố mẹ và nhà giáo dục cho rằng học tăng tốc gây hại cho trẻ. Chúng khiến các em bị tổn thương về mặt xã hội, đẩy chúng khỏi tuổi thơ hồn nhiên và tạo ra khoảng cách tri thức. Tuy nhiên, hầu hết những nhà giáo dục kì cựu thừa nhận học nhanh sẽ có ích cho thiên tài, đặc biệt là cho sự nghiệp học vấn của các em sau này.
Nhảy lớp không phải là một lựa chọn duy nhất. Các nhà nghiên cứu của SMPY cho biết cách đơn giản như giúp thần đồng tiếp cận thông tin “khó nhằn” cũng là một biện pháp kích thích tốt.
Nghiên cứu của SMPY chỉ ra rằng những em nhỏ thần đồng được tiếp xúc thông tin khó sau này sẽ công bố nhiều báo cáo khoa học hoặc theo đuổi học vấn cấp cao dễ dàng hơn những em bị kìm hãm tiếp cận thông tin.
|
Giáo sư Joseph Bates (cầm micro), từng là một thần đồng trong "vườn ươm" thiên tài, đang đặt câu hỏi trong hội thảo về trí tuệ nhân tạo. Ông được xem là nhà khoa học hàng đầu ở lĩnh vực này. |
Dù nghiên cứu SMPY trải dài 45 năm nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa “vẽ” được bức tranh toàn cảnh về thiên tài. “Chúng tôi không biết vì sao có những trường hợp thiên tài nhưng không thể thành công trong tương lai, thậm chí là lụn bại”, Doughlas Detterman, nhà tâm lý học chuyên về khả năng nhận thức ở trường đại học Case Western Reserve bang Ohio, nói. “Trí thông minh không đủ tạo ra sự khác biệt giữa những cá nhân. Nó còn phụ thuộc vào động lực, tính cách, nỗ lực bản thân”.
Dù vậy, các chuyên gia giáo dục thiên tài nhận thấy cơ hội tiếp cận những học sinh, sinh viên tài năng là rất khó khăn. “Chúng tôi biết cách xác định thiên tài, chúng tôi biết cách giúp đỡ các em”, Lubinski nói. “Nhưng vẫn có hàng ngàn đứa trẻ thiên tài không được để mắt ở Mỹ”.
Khi Lubinski và đồng nghiệp Benbow đi ngang khoảng sân trong ở đại học Vanderbilt, tiếng đồng hồ buổi trưa lại ngân lên. Những sinh viên tài năng đi về khu nhà ăn. Nhiều em trong số này đang tham gia chương trình Tài năng trẻ Vanderbilt. Tại đây, các em có 3 tuần học tập trung để hoàn thành toàn bộ chương trình toán học, khoa học hoặc văn học trong một năm. Số khác tham gia những trại thể thao tại Vanderbilt.
“Chúng có những tài năng rất khác nhau”, Lubinski nói. “Xã hội Mỹ quá tập trung vào những tài năng thể thao mà quên đi thiên tài trí tuệ xuất chúng”.