Kết hôn 4 năm nay, vợ chồng tôi mới chỉ có 1 con trai hơn 3 tuổi. Gần đây, 2 vợ chồng cũng tính đến chuyện có thêm 1 đứa con nữa nhưng kinh tế gia đình hiện chỉ một mình tôi lo liệu nên còn lấn cấn chưa dám quyết.
Lúc mới cưới, vợ tôi vẫn đi làm văn phòng. Dù lương tháng của em chỉ được 8 triệu/tháng nhưng ít ra có đồng ra đồng vào. Lương của tôi làm sale hơn 3 lần vợ nhưng do vẫn nợ tiền mua nhà chung cư trả góp nên hàng tháng cũng phải chi trả 1 khoản khá lớn.
Thời điểm mới cưới, chúng tôi chi tiêu vẫn thoải mái, để dành mỗi tháng được ít. Từ khi con trai chào đời, do sức đề kháng yếu nên con hay ốm đau, bà nội bà ngoại đều ở quê làm ruộng, không lên phụ trông cháu được, vì thế tôi bảo vợ xin nghỉ không lương sau sinh, ở nhà chăm con. Bởi vợ đi làm, tính ra tiền thuê giúp việc cũng quá tội. Chưa kể, con mới sinh ra đỏ hỏn giao cho người lạ sẽ không yên tâm.
Từ khi vợ ở nhà trông con, mỗi tháng tôi đưa cho em 6 triệu đồng nhưng không tháng nào là em không tiêu hết sạch số tiền ấy. Có những tháng em còn chìa tay bảo chồng đưa thêm. Bực quá tôi bảo vợ tiêu hoang thì cô ấy cứ mồm năm miệng mười thống kê rõ các khoản đã tiêu. Rồi em chắc nịch bảo:
“Đấy, anh xem xem có thể cắt được khoản nào không cần thiết để em cắt luôn đi cho đỡ tốn tiền”.
Xem danh sách những thứ vợ mua chỉ toàn thuốc men, đồ ăn uống của gia đình, tiền thăm khám của con mà tôi hoa mắt không cắt giảm được khoản nào. Nhưng biết đâu đấy, đây là danh sách đưa cho chồng xem nên vợ chẳng viết hợp lý như vậy. Ai biết cô ấy ghi sai giá cả để nâng tiền lên hay mua thứ nọ kia đập vào thì sao?
Hôm vừa rồi nhà tôi có giỗ mẹ đẻ. Làm con trai trưởng trong nhà nên tôi cũng rút ví đưa vợ 3 triệu để làm 6 mâm cỗ mời các cô dì chú bác trong họ. Để chuẩn bị cho 6 mâm cỗ này, tôi thấy vợ lên danh sách thực phẩm và mua sắm từ hôm trước. Sau đó, vợ chồng cùng dậy từ 5h sáng để luộc gà, đồ xôi và xào nấu các món mặn khác.
Được cái, vợ tôi nấu ăn và bày biện khéo léo nên các món ăn hôm đó được cô dì chú bác khen ngợi và ăn ngon miệng. Tối đó, sau khi dọn dẹp nhà cửa xong tôi mới hỏi vợ tiền nong còn thừa bao nhiêu thì vợ hét lên:
“Anh tính sao mà còn thừa được. Anh đưa có 3 triệu mà bắt làm tận 6 mâm cỗ, em phải tính toán nát óc mới làm được mấy mâm cơm đầy đặn cúng giỗ, không ai chê cười được”.
Nghe vợ thản nhiên nói vậy, tôi bực mình lắm. Đúng là không đi làm nên không biết kiếm tiền khó như nào, vợ tôi toàn vung quá tay thôi. Đưa cho bao nhiêu hết bấy nhiêu thì sao tiết kiệm để dành sinh con thứ 2 được. Vì thế tôi mắng vợ 1 trận cho lần sau còn rút kinh nghiệm.
Chẳng ngờ em cũng ghê gớm khi bảo chồng là người bần tiện, chi ly, tính toán. Mỗi tháng đưa được cho vợ vài đồng đã tưởng là to trong khi đủ thứ phải chi tiêu. Em cũng bảo nếu chưa có tiền thì kế hoạch sinh con thứ 2 cứ tạm hoãn lại vô thời hạn. Khi nào con lớn hơn, tiền nhà trả hết, vợ chồng đều đi làm được thì lúc đó sinh chưa muộn.
Nghe vợ nói mà tôi chán khủng khiếp, đúng là quen ở nhà ăn bám chồng nên bảo sao tiêu tiền không biết xót ruột, chuyện gì cũng không biết tính toán. Kế hoạch lâu quá, tôi sợ sẽ ảnh hưởng đến chuyện sinh con thứ 2 sau này. Không biết vợ chồng tôi nên phải làm gì để tránh thai lâu dài mà không lo vô sinh đây?
Vợ chồng nên phải làm gì để tránh thai lâu dài mà không lo vô sinh?
Nếu chưa muốn có em bé thì các cặp vợ chồng có thể chọn một biện pháp tránh thai thích hợp. Bao cao su là một trong những biện pháp tốt nhất nên có thể lựa chọn.
Biện pháp này không những có tác dụng phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn mà còn có thể giúp bảo vệ, ngăn ngừa sự lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục .
Còn về việc kế hoạch quá lâu dẫn đến khó có con thì còn phụ thuộc vào độ tuổi thích hợp để sinh con. Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng. Nếu sinh con quá sớm (trước 20 tuổi) hoặc sinh con quá muộn (sau 35 tuổi) đều gây nhiều tai biến cho cả mẹ và thai nhi.
Người phụ nữ ở độ tuổi từ 22-29 tuổi có sức khỏe sinh sản tốt nhất vì cơ thể đã phát triển toàn diện, chất lượng trứng cũng ở thời kỳ tốt nhất. Ở độ tuổi này người phụ nữ đã phát triển đầy đủ về cả tâm - sinh lý cho việc mang thai và làm mẹ.
Từ độ tuổi 24-29, các điều kiện về nghề nghiệp, kinh tế gia đình sẽ thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe khi mang thai cũng như chăm sóc em bé khi ra đời để trẻ được phát triển toàn diện.
Những người kế hoạch quá lâu và khó có con sau đó có thể do hệ thống sinh sản gặp trục trặc trước đây hoặc trong thời gian kế hoạch đã không giữ gìn sức khỏe tốt, dẫn đến mắc các bệnh phụ khoa và ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản (chủ yếu là do viêm nhiễm dẫn đến viêm, tắc buồng trứng, ống dẫn trứng...).
Vì thế, nếu chưa muốn sinh con ngay thì có thể tránh thai bằng bao cao su. Bên cạnh đó, trong thời gian kế hoạch vợ chồng hãy giữ gìn sức khỏe tốt, giữ vệ sinh "vùng kín" cẩn thận, tránh mắc các bệnh phụ khoa, viêm nhiễm, thường xuyên đi khám phụ khoa theo định kì... Điều này giúp đảm bảo sức khỏe sinh sản của mình tốt hơn.
Theo Thảo Nguyên/Phụ nữ Thủ Đô