Sau khi ăn xong, nhiều người cảm thấy uể oải vì bụng căng đầy và mỗi người lại có cách khác nhau để có thể thoải mái hơn như ngồi trò chuyện, đứng dậy tập thể dục hoặc nằm xoa bụng.
Nhiều người thắc mắc, ăn xong nên đứng hay ngồi hoặc nằm?
Có nên vận động để giúp thúc đẩy tiêu hóa?
Bác sĩ Vi Vượng (Wei Wang), khoa Nội Tiêu hóa của Bệnh viện Đồng Tế trực thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung chia sẻ rằng, sau khi ăn, cơ thể con người sẽ ở giai đoạn tiêu hóa với tốc độ đỉnh điểm trong vòng nửa giờ, máu khắp cơ thể sẽ được ưu tiên cung cấp cho hệ tiêu hóa.
Sau vài giờ sau thức ăn mới được tiêu hóa hoàn toàn. Nếu bạn vận động mạnh ngay sau bữa ăn, máu sẽ được cung cấp lên não và tứ chi nhiều hơn, chức năng tiêu hóa từ đó giảm sút.
Ngoài ra, vận động quá mạnh ngay sau khi ăn sẽ dẫn tới tình trạng đau dạ dày. Vì vậy, thay vì tập thể dục mạnh sau ăn, bạn có thể đi bộ một cách nhẹ nhàng.
Không nên vận động sau khi ăn no.
Nên nằm, ngồi hay đứng sau bữa ăn no?
Nằm ngay sau khi ăn
Nhiều người nghĩ rằng ăn no nên nằm thư giãn hoặc ngủ để cảm thấy thoải mái. Nhưng đây là thói quen không tốt bởi nằm sau khi ăn có thể bị trà ngược dạ dày, gây ợ chua, đau ngực, tổn thương thực quản.
Hành động này cũng khiến axit trong dạ dày không thể bao phủ hoàn toàn thức ăn, hiệu quả tiêu hóa sẽ giảm sút.
Đứng sau khi ăn
Đối với người khỏe mạnh, đặc biệt là dân văn phòng, việc đứng lên đi lại nhẹ nhàng sau bữa ăn sẽ có lợi cho tiêu hóa, giúp lưu thông khí huyết. Tuy nhiên, những người sức khỏe kém, đứng lâu sẽ làm cho trọng tâm dạ dày thay đổi, gây ra những tác động không tốt tới dạ dày.
Ngồi sau khi ăn
So với hai tư thế trên, ngồi một lúc sau bữa ăn được coi là tốt cho sức khỏe hơn. Hành động này có thể giúp người già và bệnh nhân tránh được sự chóng mặt, té ngã. Tuy nhiên bạn nên lưu ý rằng không nên ngồi quá lâu.
Ngồi quá lâu sẽ gây tích tụ mỡ bụng, nghiêm trọng hơn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về mạch máu, tim mạch. Vì vậy, tốt nhất bạn nên ngồi nghỉ một lúc sau đó đứng dậy đi lại nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh.
Theo Thùy Dương/Thương Hiệu và Pháp Luật