Sán làm tổ trong não
Mới đây, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Tân Sơn, Phú Thọ, tiếp nhận bệnh nhân nam 56 tuổi (trú tại Kim Thượng, Tân Sơn, Phú Thọ) có biểu hiện đau nhức đầu.
Thông tin trên báo Dân Trí cho biết, tại khoa Chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng, các bác sĩ kết luận trong sọ não bệnh nhân có hình ảnh nang ký sinh trùng (ấu trùng sán não - neurocysticercosis). Theo bệnh nhân, ông có thói quen ăn gỏi cá.
|
Ảnh chụp não của bệnh nhân. Ảnh: Trung tâm cung cấp/Dân Trí. |
Trước đó, vào đầu tháng 6/2023, Khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân S.V.Th, 55 tuổi, trú tại Châu Lộc, Quỳ Hợp (Nghệ An), vào viện với tình trạng thất ngôn và không vận động được nửa người bên phải.
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân Th. cho biết, bệnh nhân có tiền sử động kinh cách đây 5 năm đang kiểm soát bằng thuốc (Depakin 500mg x 2 viên/ ngày), có thói quen ăn tiết canh lợn.
Sau thăm khám, bệnh nhân đã làm các xét nghiệm cần thiết cho kết quả, xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng (+), xét nghiệm ELISA chẩn đoán ấu trùng sán lợn Cysticercosis(+), chụp cắt lớp vi tính não cho thấy có nhiều ổ giảm tỷ trọng kèm phù não lớn vùng bán cầu trái.
Sau hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị Hội chứng tăng áp lực nội sọ do ấu trùng sán dây lợn trên hệ thần kinh, nguy cơ tử vong cao nếu không xử lý kịp thời.
|
Ảnh minh họa: Liputan6. |
Vào tháng 4/2023, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, tiếp nhận một bệnh nhân nữ 58 tuổi (xã An Bình, huyện An Sách, tỉnh Hải Dương).
Theo Tri thức trực tuyến, trước đó, bệnh nhân này đột ngột đau đầu, ngã quỵ ở nhà. Gia đình đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Hải Dương, sau đó chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) điều trị. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị ấu trùng sán lợn lên não và được chuyển sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.
Tháng 8/2022, các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới Quảng Bình từng tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp người bệnh cũng bị tổn thương viêm não do nang sán.
Bệnh kén sán não nguy hiểm sao?
Kén sán não là bệnh lý thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, do cơ thể người nhiễm phải loại ấu trùng sán.
Vì bệnh kén sán não tác động nhiều nhất lên hệ thần kinh trung ương nên những biểu hiện ban đầu của bệnh bao gồm nhức đầu liên tục, nhức cả vùng đầu và có tính chất lan sang nhiều vùng khác.
Một số triệu chứng khác kèm theo như xuất hiện nang nhỏ nằm dưới da, sờ vào thì di động và không gây đau, điều này là do sự hiện diện của những kén sán não hình thành dưới da.
Nếu nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể gặp phải những cơn động kinh nặng nhẹ khác nhau, thời gian có thể ngắn hay dài phụ thuộc vào vị trí kén sán não trong cơ thể bệnh nhân cũng như số lượng kén sán não mà bệnh nhân nhiễm phải.
Những triệu chứng như mất ngủ, giấc ngủ không kéo dài và không sâu hay những biểu hiện hệ thần kinh trung ương như suy giảm trí nhớ, triệu chứng loạn thần, sa sút trí tuệ cũng rất hay gặp ở người mắc bệnh kén sán não.
Một số triệu chứng khác hiếm gặp hơn như yếu liệt nửa người, cảm giác và vận động có những bất thường, lồi nhãn cầu, hiện tượng nhìn đôi, mù hoặc giảm thị lực trong những trường hợp kén sán não xuất hiện tại ổ mắt.
Cách phòng bệnh
Bệnh kén sán não không những gây ra những triệu chứng hệ thần kinh mà còn ảnh hưởng đến hàng loạt những hệ cơ quan khác trong cơ thể. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện những biện pháp phòng chống để giảm nguy cơ mắc bệnh đến mức tối đa, bằng cách:
- Giữ môi trường sống sạch sẽ
- Cần sử dụng nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày
- Luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh
- Vệ sinh an toàn thực phẩm là một khâu hết sức quan trọng trong phòng bệnh. Cần ăn chín uống chín (đồ ăn nấu chín, nước phải được đun sôi, để nguội, uống).
Tuyệt đối không ăn thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín (chẳng hạn như tiết canh), đặc biệt tránh xa thịt lợn gạo.
- Tẩy giun sán định kỳ
- Nếu nuôi lợn thì phải tuân thủ những quy trình xử lý phân, hay ngăn cách địa điểm nuôi với môi trường sống.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phương pháp mới phát hiện vi khuẩn trong vài phút
P.V (Tổng hợp)