CNN đưa tin, một báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ chỉ ra rằng, trước biến chủng Omicron, vắc xin COVID-19 ở nhóm trẻ 5 - 11 tuổi ít hiệu quả hơn so với ở trẻ 12 - 15 tuổi và người lớn. Theo đó, hai liều vắc xin Pfizer/BioNTech làm giảm 31% nguy cơ nhiễm Omicron ở nhóm trẻ 5 đến 11 tuổi, so với 59% ở trẻ từ 12 đến 15 tuổi.
Một nghiên cứu trước đây của CDC cho thấy, trẻ từ 5 đến 11 tuổi đã được tiêm chủng giảm 46% nguy cơ nhập viện điều trị vì COVID-19 so với trẻ chưa tiêm vắc xin. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tiêm phòng giúp bảo vệ trẻ chống lại nguy cơ bệnh nặng.
|
Theo CDC Mỹ, hai liều vắc xin COVID-19 Pfizer/BioNTech làm giảm 31% nguy cơ nhiễm biến chủng Omicron ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Ảnh: CNN. |
Tiến sĩ Leana Wen đến từ trường Y tế Công cộng Miklen thuộc Đại học George Wasshington (Mỹ) cho biết, mặc dù vắc xin cho thấy ít hiệu quả hơn ở trẻ 5-11 tuổi so với nhóm người lớn tuổi hơn, nhưng nó vẫn giúp bảo vệ chống lại bệnh nặng. Và đó là lý do quan trọng nhất của việc tiêm chủng: Ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và tử vong.
Các nhà khoa học cho rằng, việc vắc xin ít hiệu quả hơn ở nhóm trẻ 5-11 tuổi có thể là do liên quan đến liều lượng. Liều lượng vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên là 30 microgram, so với 10 microgram cho trẻ 5-11 tuổi. Liều lượng càng cao thì tác dụng phụ có thể xảy ra càng cao nên trẻ 5-11 tuổi được tiêm liều thấp hơn. Và liều thấp hơn có thể cho hiệu quả ít hơn.
Ngoài ra, cũng có những ý kiến khác cho rằng sở dĩ xảy ra tình trạng này là do vào thời điểm nhiễm Omicron, rất nhiều trẻ nhỏ đã từng mắc COVID-19 nên tác dụng của vắc xin cũng bị giảm đi.
Đối với trẻ dưới 5 tuổi, Pfizer đang thử nghiệm liều lượng nhỏ hơn (3 microgram, so với 10 microgram cho trẻ 5-11 tuổi), dạng vắc xin 3 liều. Kết quả thử nghiệm có thể được công bố vào tháng Tư.
An An