Trước thông tin 7 người tử vong do hút thuốc lá điện tử, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra những cảnh báo mới liên quan đến sản phẩm nguy hại này.
Theo CDC, tính đến giữa tháng 9/2019 đã có 7 người tử vong, 450 người phải nhập viện trên khắp 33 tiểu bang của Mỹ liên quan đến thuốc lá điện tử.
Mới đây nhất, người đàn ông ngoài 40 tuổi tử vong do phổi tổn thương nghiêm trọng vì tác động của thuốc lá điện tử. Đây là nạn nhân thứ hai tại bang California, thứ 7 tại Mỹ tử vong vì hút thuốc lá điện tử. Ngoài bang California, các bang Kansas, Illinois, Indiana, Minnesota, Oregon đều có người chết bởi các bệnh liên quan đến thuốc lá điện tử.
|
Thuốc lá điện tử đang là mối lo của các cơ quan sức khỏe. Ảnh: Internet. |
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã khảo sát 380 bệnh nhân mắc các bệnh về phổi sống tại 36 tiểu bang, kết quả tất cả họ đều có tiền sử sử dụng thuốc lá điện tử. Một số cho biết thuốc lá họ dùng có chứa THC, thành phần kích thích trong cần sa tạo cảm giác hưng phấn. Một số hút thuốc lá chứa nicotine, số khác dùng cả THC lẫn nicotine.
Đầu tháng 9, Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo người dùng tránh các sản phẩm thuốc lá điện tử chứa thành phần THC. Hóa chất này có thể làm tổn thương các phế nang, khiến bệnh nhân khó thở, phải trợ thở bằng máy, nặng hơn thì dễ rơi vào hôn mê trước khi tử vong.
Cơ quan sức khỏe tại Mỹ đưa ra lời khuyên không nên sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt những sản phẩm báy bán tại các cửa hàng không tên tuổi.
Thuốc lá điện tử nguy hại sức khỏe ra sao?
Thuốc lá điện tử (E-cigarette hay Vaping) là sản phẩm mô phỏng thuốc lá thông thường cả về hình thức lẫn chức năng. Do không tạo khói khi hút, nên thuốc lá điện tử được các nhà sản xuất quảng cáo rùm beng với khả năng loại bỏ các chất độc và mùi khó chịu như có trong thuốc lá điếu.
Theo CDC, từ năm 2014, E-cigarette là sản phẩm được sử dụng phổ biến nhất trong nhóm người trẻ tuổi tại Mỹ, nhất là học sinh trung học. Chỉ riêng trong năm 2017 và 2018, số thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử tại Mỹ đã tăng 1,5 triệu người.
Thuốc lá điện tử không nhả ra khói độc như thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng là sự lựa chọn lành mạnh để thay thế thuốc lá thông thường.
|
Thuốc lá điện tử độc hại không kém gì thuốc lá điếu truyền thống. Ảnh: Internet. |
Nicotin trong E-cigarette rất lại cho não: Hầu hết thuốc lá điện tử đều chứa nicotine, chất gây nghiện cao trong thuốc lá. Nicotine đặc biệt có hại cho những người trẻ tuổi. Bộ não con người tiếp tục phát triển cho đến khoảng 25 tuổi. Sử dụng các sản phẩm có nicotine dưới 25 tuổi có thể gây hại cho phần não chịu trách nhiệm về trí nhớ, sự chú ý và học tập.
Theo nghiên cứu của Đại học UC San Francisco, thuốc lá điện tử chứa nicotine, chất gây nghiện rất hại cho não, nhất là nhóm người trẻ tuổi não đang phát triển. Nếu thanh thiếu niên dùng vaping thì nguy cơ ảnh ưởng tới sức khỏe và não bộ rất cao do chứa các hạt siêu mịn, kể cả hạt kim loại nặng... làm tăng viêm nhiễm và dẫn đến bệnh tim và phổi. Đáng tiếc, nhận thức về thuốc lá điện tử của nhóm người trẻ tuổi lại lệch lạc, coi là an toàn, chỉ có nước hoặc hơi mà không biết còn có cả nicotine và phụ gia tạo hương vị độc hại.
Mối nguy hiểm từ hương vị: Theo thống kê có hơn 7.000 loại thuốc lá điện tử có hương vị đang được bán trên thị trường. GS Prue Talbot, ở Đại học California (Mỹ) đã nghiên cứu phát hiện thấy độc tính tế bào của 36 chất lỏng tạo hương vị trong thuốc lá điện tử có độc tính cao. Hương vị gây ngộ độc tế bào, nhất là Cinnamon Ceylon, chứa hóa chất gọi là cinnamaldehyd, mang hương vị quế nhưng lại gây ho và đau họng.
Theo nghiên cứu của ĐH Harvard (Mỹ), các chất tạo hương vị phổ biến được tìm thấy trong chất lỏng thuốc lá điện tử gây ra sự tích tụ sẹo vĩnh viễn và hủy hoại phổi. Những hóa chất tạo hương vị độc hại như 2,3-pentanedione và diacetyl, phá hủy có hệ thống phổi, đặc biệt là đường dẫn khí nhỏ, gây viêm tiểu phế quản hay phổi bỏng ngô.
Do thuốc lá điện tử độc hại không kém gì thuốc lá điếu truyền thống, cả FDA lẫn CDC đều khuyến cáo mọi người nên tránh xa sản phẩm này. Nhiều nước đã cấm toàn diện thuốc lá điện tử, gần nhất là chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm hôm 18/9.
Thảo Nguyên (Theo CDC)