Hơn 90% hẹp bao quy đầu điều trị sai
Ông H.V.C (72 tuổi, Hà Nội) đến Trung tâm Nam Học, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức nhập viện vì khối sùi đầu dương vật. Qua khai thác được biết người bệnh bị hẹp khít bao quy đầu từ lâu, không lộn ra được nhưng không đi khám. Ông C vẫn đi tiểu được, có vợ và sinh con bình thường. Tuy nhiên 1 năm gần đây, người bệnh thấy đầu dương vật có khối cứng dần kèm theo đi tiểu khó khăn.
Biểu hiện của chít hẹp bao quy đầu
- Bao quy đầu không lộn hoặc khó lộn ra.
- Đối với trẻ em, một số trường hợp bao quy đầu chỉ để cho một lỗ rất nhỏ. Trẻ đi đái, nước tiểu chảy ra đọng lại làm cho đầu dương vật to và phồng lên. Sau khi trẻ đái xong, một lúc sau nước tiểu mới chảy ra hết.
- Trẻ thường bị viêm nhiễm bao quy đầu: Biểu hiện bao quy đầu sưng đỏ mọng nước, dân gian thường gọi là tầm bọt hay viêm đường tiết niệu (đái buốt, rắt...).
- Các chất tiết cô đọng lại thành hạt, mảng trắng sờ vào như hạt đậu hoặc vòng nhẫn cứng ở đầu dương vật.
- Đối với trẻ vị thành niên thì dương vật bé và ngắn hơn bình thường.
Ông C. tự tìm hiểu trên mạng và đến 1 phòng khám tư nhân để tiến hành cắt bao quy đầu, nhưng sau mổ có biểu hiện tiểu khó, khối sùi đầu dương vật rỉ máu, đến lúc đó ông mới hốt hoảng tìm đến Bệnh viện.
ThS. BS Bùi Văn Quang, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết qua khám bệnh thấy khối u chiếm toàn bộ đầu dương vật, có nhiều điểm hoại tử, rỉ máu lâm sàng điển hình của ung thư dương vật, sinh thiết cho kết quả là ung thư biểu mô vảy. Người bệnh được chẩn đoán là ung thư dương vật và có chỉ định mổ cắt đoạn dương vật, nạo vét hạch bẹn 2 bên.
Tương tự, bệnh nhân Dương Văn T., 22 tuổi ở Khoái Châu, Hưng Yên vào nhập viện trong tình trạng dương vật loét sùi, chảy dịch hôi thối, hạch bẹn hai bên to, rắn dính. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dương vật do chít hẹp bao quy đầu.
Kết quả nghiên cứu trên 337 bệnh nhân bị ung thư dương vật tại bệnh viện K cho thấy, 82,2% bệnh nhân có tiền sử hẹp bao quy đầu bẩm sinh, nếu không tính những trường hợp không rõ thì tỷ lệ này là 92,3%.
Tuổi mắc bệnh trẻ nhất là 16, cao nhất là 82, hay gặp nhất là 35 – 55 tuổi. Điều đáng nói là 92,9% điều trị không đúng, hầu hết bệnh nhân đều xấu hổ, giấu bệnh hoặc thiếu hiểu biết, thường cho nguyên nhân là căn bệnh xã hội.
PGS. TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam Học cho biết, ung thư dương vật là bệnh lý khá thường gặp trong chuyên khoa nam học. Có nhiều nguyên nhân gây ra ung thư dương vật nhưng nguyên nhân hay gặp nhất là do hẹp bao quy đầu.
Hẹp bao quy đầu gây ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển, lâu dần phát triển thành tế bào ung thư. Những trường hợp này thường có hẹp khít bao quy đầu từ rất lâu nhưng do thiếu hiểu biết, do ngần ngại đi khám bệnh mà chỉ đến khi tự thấy bất thường ở dương vật mới đến cơ sở y tế thì khi đó đã tiến triển thành ung thư dương vật.
Các chuyên gia tất cả nam giới nếu có bất thường ở bao quy đầu, dương vật nên đến các cơ sở y tế uy tín chuyên khoa nam học để khám và điều trị kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc.
|
Thiếu niên vừa phải nhập viện cấp cứu hoại tử cậu nhỏ vì lộn bao quy đầu chít hẹp - Ảnh BVCC |
Cắt bỏ bao quy đầu, loại trừ các biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, chuyên gia về Nam học Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec cho biết, bao quy đầu là một bao da bao bọc quy đầu của nam giới, lúc còn bé phần lớn các trẻ được bao bọc cẩn thận gần như hết chỉ để hở lỗ vòng bao ngay sát với lỗ tiểu để trẻ em đi tiểu, sau này lớn lên đến tuổi tiền dậy thì, dậy thì bao này dần tách ra và lộn hẳn ra ngoài.
Dù còn bao bọc quy đầu hay đã lộn ra, dù còn bé hay đã lớn thì có khoảng hơn 1/5 nam giới trên thế giới đã cắt bao quy đầu với nhiều lý do như sau:
Cắt bao quy đầu có lý do về tôn giáo được tiến hành ở các quốc gia theo đạo hồi, ngay sau khi đứa trẻ ra đời vài tuần tuổi, khỏe mạnh được gia đình đưa đến nhà thờ tiến hành. Thủ thuật này được làm thường quy đi kèm với nó là các thủ tục nghi thức ghi nhận hay chứng nhận cho em bé đó hay đứa trẻ đó đã trở thành con chiên của chúa hay của thánh Ala...
Cắt bao quy đầu vì lý do văn hóa tập tục, thường áp dụng cho những đứa trẻ vị thành niên, cắt bao quy đầu ở độ tuổi tiền dậy thì, dậy thì để đánh dấu sự trưởng thành của đứa trẻ, phong tục này rất phổ biến ở Hàn Quốc, Nhật bản
Cắt bao quy đầu để dự phòng bệnh trong tương lai như dự phòng viêm nhiễm tiết niệu sinh dục, dự phòng lây nhiễm qua đường tình dục, dự phòng ung thư. Thủ tục này được áp dụng phổ biến ở Mỹ cho trẻ sơ sinh, hiện tại ở Mỹ có tới 80% nam giới đã cắt bao quy đầu, việc cắt bao quy đầu ở trẻ sơ sinh hiện nay đã giảm xuống từ mức 90% trong thập niên 50 của thế kỷ trước xuống còn khoảng 65% hiện nay.
Cắt bao quy đầu để tăng cường khả năng tình dục: Nhiều chuyên gia cho rằng cắt bao quy đầu để giảm bớt sự nhạy cảm kéo dài thời gian giao hợp tránh xuất tinh sớm và tăng cường sức khoẻ tình dục cho nam giới.
Cắt bao quy đầu vì lý do y tế, tình trạng hẹp, bán hẹp, dài bao quy đầu ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ quan sinh dục, của cơ thể như viêm nhiễm, xơ teo, biến dạng, cản trở được dẫn tinh, dẫn tiểu, ảnh hưởng đến chức năng đi tiểu, tình dục, vô sinh hiếm muộn
Trẻ bị chít hẹp nặng, viêm nhiễm khiến nước tiểu không thoát ra ngoài được, gây urê huyết, vỡ bàng quang và chết. Nếu viêm nhiễm gây ung thư, không phẫu thuật, ung thư di căn, gây nhiễm trùng máu, bệnh nhân tử vong…
Ở Việt Nam cắt bao quy đầu không phải là một thông lệ mà thường theo chỉ định y tế khi bao quy đầu bị hẹp, bao quy đầu bán hẹp, bao quy đầu dài dính hay bị viêm nhiễm tái phát…Các quan niệm về việc cắt để phòng bệnh cho tương lai hay tăng cường chức năng tình dục thì chưa được chú ý.
Từ lâu trên thế giới đã thực hiện cắt bao quy đầu cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Như Ixaren cắt khi trẻ mới được 8 ngày tuổi, Mỹ và nhiều nước châu Âu... cắt ngay khi trẻ ra đời.
Cắt bao quy đầu mang lại rất nhiều lợi ích. Bao quy đầu được cắt, nước tiểu và các chất tiết của quy đầu không bị ứ đọng, tránh được viêm nhiễm tại chỗ và viêm tiết niệu ngược dòng.
Trẻ nhỏ, bao quy đầu được cắt sớm, dương vật sẽ thoải mái phát triển, đến tuổi dậy thì, đầu dương vật to và dài ra. Bao quy đầu được cắt sớm, quy đầu được tiếp xúc với lông, da, quần áo thường xuyên làm cho ngưỡng kích thích xuất tinh tăng lên, hạn chế được tình trạng xuất tinh sớm. Cắt bao quy đầu sớm sẽ tránh được ung thư dương vật do chất tiết của quy đầu (bựa sinh dục spasmin gây nên).
Ở người trưởng thành đôi khi cũng cần bao quy đầu để tránh nhiễm trùng cơ quan tiểu tiện (nhất là ở người mắc bệnh tiểu đường, vì đường trong nước tiểu dính dưới da quy đầu sẽ là môi trường thuận lợi cho vi trùng sinh sản), phòng ngừa ung thư tiền liệt tuyến. Khi da quy đầu quá co chặt gây khó khăn trong quan hệ tình dục. Sợ bị ung thư cơ quan sinh dục...
Hẹp bao quy đầu có thể là bẩm sinh, hoặc do vệ sinh không đúng cách gây viêm nhiễm. Khi tắm, bố mẹ nên rửa và lộn bao quy đầu cho con. Nếu thấy khó lộn hoặc bao quy đầu bị dính lại thì nên đi khám để chẩn đoán chít hẹp.
Việc xử lý hẹp bao quy đầu ở trẻ khá đơn giản, chỉ cần cắt chỗ chít hẹp ở quy đầu. Ngoài ra còn có phương pháp nong nhưng theo nhiều bác sĩ, cách này dễ gây đau, vết rách dính lại gây viêm nhiễm và chít hẹp nhiều hơn. Vì vậy, tốt nhất là cắt bỏ cho trẻ càng sớm càng tốt (1 – 2 tuổi), muộn là trước tuổi dậy thì.
Lưu ý khi cắt bao quy đầu cho trẻ:
- Yêu cầu bác sĩ cho trẻ uống thuốc giảm đau trước khi giải phẫu.
- Thay băng nhiều lần trong ngày để tránh nhiễm trùng.
- Vết mổ có thể rỉ máu vài ngày.
- Sau mổ, trẻ có thể không tiểu tiện trong vòng 6-8 giờ.
- Cắt da quy đầu là một phẫu thuật đơn giản, có thể thực hiện ngay tại phòng mạch bác sĩ và vết thương sẽ lành sau vài tuần lễ.
Thúy Nga