Những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh khiến các bác sĩ bối rối với phàn nàn về nhiều cơn đau quái đản, phổi không trở lại hoạt động bình thường và một loạt các vấn đề bất lực tâm lý.
“Những gì chúng ta đang thấy thật đáng sợ”, Giáo sư Gabriel Izbicki ở Trung tâm y tế Sha Sha Zedek (Jerusalem) nói với The Times of Israel. Có tới hơn một nửa số bệnh nhân vẫn thấy những triệu chứng vài tuần sau khi xét nghiệm âm tính”.
Izbicki đang thực hiện một nghiên cứu liên quan đến việc theo dõi các bệnh nhân từng ở bệnh viện hoặc khách sạn có vi-rút Corona, xem xét các hậu quả của vi-rút và cố gắng tìm hiểu tại sao bệnh nhân vẫn phải tiếp tục chịu đựng sự hành hạ một thời gian dài sau khi được xác nhận âm tính. Có rất ít nghiên cứu về ảnh hưởng giữa kỳ của vi-rút Corona, ông nói, “mà điều đó thì rất cần thiết để hướng dẫn các bác sĩ”.
|
Một nửa số bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh vẫn bị hành hạ bởi những cơn đau quái đản, phổi không trở lại hoạt động bình thường và một loạt các vấn đề bất lực tâm lý. |
Tại Bnei Brak, phòng khám cộng đồng đầu tiên của Israel, các bác sĩ đã quan sát thấy sự tăng đột biến trong những ngày gần đây ở những bệnh nhân bị đau mà không biết xuất hiện từ đâu.
“Nó có thể xuất hiện ở cánh tay, chân hoặc những nơi khác mà vi-rút Corona không có tác động trực tiếp và nếu bạn hỏi về mức độ đau theo thang điểm từ 1 đến 10, thì với những người nói rằng họ không thể ngủ, mức đau có thể là 10”, Giám đốc phòng khám mới khai trương một tháng trước ở Bnei Brak do Trung tâm Dịch vụ Y tế Maccabi điều hành - Eran Schenker nói. Có vài thứ mà chúng tôi bắt đầu thấy nhiều hơn trong tuần trước”.
“Suy sụp” vì vi-rút Corona
Một bệnh nhân giấu tên từ phòng khám đã nói chuyện với The Times of Israel. Đó là một phụ nữ, cư dân Bnei Brak ở độ tuổi 40, được chẩn đoán bị lây nhiễm hồi tháng 3 và một tháng trước được kết luận âm tính qua xét nghiệm. Nhưng hiện giờ bà vẫn còn mệt mỏi và lo lắng nghiêm trọng, và chỉ có thể đi bộ vài phút là phải nghỉ.
Chồng bà cũng đã nhiễm vi-rút Corona vào tháng 3 và cũng xét nghiệm âm tính vào tháng trước, hiện có cảm giác như bị suy sụp. Bà cho biết: “Ông ấy thực sự còn cảm thấy tệ hơn hồi còn nằm viện”.
Ông chồng năm nay 55 tuổi, cũng đã gặp một số vấn đề về sức khỏe trước khi nhiễm vi-rút Corona vào tháng 3, nhưng vẫn “hoạt động tích cực từ sáng đến tối, với năng lượng tràn đầy. Giờ đây, ông ấy cảm thấy cực kỳ đờ đẫn, đi lại khó khăn và có vấn đề về tim”, bà cho biết.
Đây là một cú sốc đặc biệt đối với gia đình, vì trong lần nhập viện đầu tiên vào tháng 3 và đầu tháng 4, ông không cần thở oxy và kết quả chụp X quang cho thấy không có tổn thương phổi. Giữa tháng 4, ông phải nhập viện một lần nữa với các triệu chứng giống như viêm phổi, và đến tháng Năm được công bố là âm tính. Nhưng sau đó ông bị đau và rất khó thở nên đã tìm đến các bác sĩ tim mạch, chuyên gia thần kinh, đội phục hồi chức năng và các chuyên gia khác tại phòng khám.
“Người đàn ông này là một trong những trường hợp khá nặng, nhưng không phải là ca tệ nhất, và chúng tôi còn có những bệnh nhân phải chịu đựng nhiều hơn thế”, Schenker cho hay.
Ông nói, đối với tất cả các chứng bệnh, sau thời gian nằm viện dài, đầu óc bệnh nhân có thể bị quay cuồng và việc sử dụng máy thở có thể làm chậm quá trình hồi phục hoàn toàn - nhưng COVID-19 thì đang gây ra các mô hình trước đây thường không thấy.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi mọi người không phải chịu đựng những điều chúng tôi chờ đợi, mà lại phải chịu những điều mà chúng tôi chưa biết hoặc nghĩ rằng có liên quan", ông nói với The Times of Israel. “Điều đó không có trong giấy tờ nào”.
Ông nhấn mạnh rằng, không phải tất cả bệnh nhân của ông là những người mới khỏi bệnh. Một số trong họ đã bị nhiễm vi-rút Corona vào tháng 3, vì vậy họ có thể đã được phục hồi trong nhiều tháng, ông cho hay.
Izbicki, Giám đốc của Viện phổi Shaare Zedek, cũng nhấn mạnh rằng, nhiều bệnh nhân của ông đã được công bố là không có vi-rút Corona từ lâu rồi. Theo ông, một trong những điều ngạc nhiên lớn nhất là hiện không thể dự đoán được đối với bệnh nhân nào thì căn bệnh khó chữa này sẽ xảy ra và bệnh nhân nào thì không.
Hiện chưa thấy mối tương quan giữa mức độ nghiêm trọng của bệnh khi nhập viện và mức độ của các triệu chứng sau đó, ông nói trong thảo luận về kết quả sơ bộ từ nghiên cứu của mình về các bệnh nhân đã khỏi COVID-19 sau khi được điều trị tại bệnh viện và khách sạn vi-rút Corona.
“Trong số các triệu chứng đã kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện triệu chứng chung của phần lớn bệnh nhân bên cạnh khó thở, ho kéo dài và các vấn đề về hô hấp và phổi phức tạp khác”, ông nói và cho biết thêm rằng ông cũng đã biết nhiều về những cơn đau quái đản mà Schenker đã đưa ra thảo luận.
Những cơn đau này - được thấy ở những bệnh nhân trẻ tuổi và cả những người già - làm cho các bác sĩ phải vò đầu bứt tai. Schenker nói: “Thuốc giảm đau có thể ngăn cơn đau nhưng không khắc phục được nguồn gốc, chúng tôi không biết cách giải quyết nguồn gốc mà bạn thì không thể dùng thuốc giảm đau trong suốt quãng đời còn lại”.
Trong khi những cơn đau gây khó chịu cho một số người, một số khác chỉ mô tả cơn đau giống như cảm giác rất khó chịu: thấy người nóng rát, ngứa ran hoặc chỉ là cảm giác khó tả khi chân tay không cảm thấy bình thường.
Các bệnh nhân bị đau thường không “cấp báo” trong các kỳ kiểm tra y tế tổng thể. Schenker nói: “Chúng tôi kiểm tra tim, phổi và thấy họ không có bệnh, họ cũng không có vấn đề gì về thần kinh. Chúng tôi làm scan mà không thể thấy bất cứ điều gì, nhưng họ cảm thấy đau - và họ đã nhiều lần nói với chúng tôi về cảm giác đó.
|
Một bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh vẫn phải tới khám vì các vấn đề sức khỏe sau đó. |
Dan Oyero, Phó giám đốc y khoa của Maccabi, ở miền trung Israel, nói rằng vấn đề bao trùm mà các bác sĩ đang giải quyết là sự thay đổi sâu rộng trong cuộc sống của người dân mà các bác sĩ không thể dự báo được điểm cuối sẽ như thế nào.
“Điều khó chịu nhất là mọi người so sánh cảm giác của họ bây giờ so với vài tuần trước khi bị nhiễm bệnh”, ông nói. “Họ chỉ nói là không thể làm những việc mà họ từng làm trước kia”.
Cảm giác vị giác và khứu giác, bị mất trong thời gian bị bệnh, đôi khi không hồi phục được. Khi bệnh nhân hỏi liệu cảm giác đó có hồi phục được không, thì các bác sĩ vốn chỉ có kinh nghiệm hạn chế về căn bệnh này, đã không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng. “Chúng tôi không biết, thế thôi”, Oyero nói.
Khi các bác sĩ có thể dẫn tiền lệ từ các bệnh khác, đó có thể là tin xấu.
Schenker cho biết, những bệnh nhân cao tuổi bị ảnh hưởng nặng bởi vi-rút Corona, ngay cả khi họ không có vấn đề về hô hấp trước đó. Có thể thấy phổi của họ hoạt động chỉ với một nửa công suất, rất lâu sau khi xét nghiệm âm tính.
Họ có hai lá phổi, nhưng chúng chỉ tương đương với một, vì mỗi phổi hoạt động ở mức 50% và nó có thể sẽ cứ như thế cho đến hết cuộc đời, Schenker cho hay. Ông rút ra kết luận này từ mô hình tổn thương phổi được quan sát thấy từ một số bệnh khác, tuy nhiên, thông thường chỉ ảnh hưởng đến những bệnh nhân bị biến chứng phổi trước đó.
Tổn thương không phải do vi-rút Corona gây ra, nhưng do quá trình viêm mà chúng ta biết từ các bệnh khác sẽ không để phổi có khả năng trao đổi oxy như trước đây, ông Schenker nhận xét.
Izbicki nói, theo kinh nghiệm của ông, tổn thương phổi liên quan đến COVID-19 có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi và ông chia sẻ mối lo ngại rằng mọi người sẽ không bao giờ hồi phục được hoàn toàn hiệu suất của phổi. Ông nói: “Chúng tôi không biết liệu các chức năng phổi có trở lại bình thường hay không”.
Một số bệnh nhân cần vật lý trị liệu. Schenker cho biết: “Chúng ta từng thấy các trường hợp bị sụt cân quá mức khiến cảm thấy khó khăn khi đi bộ. Trong khi đó, một số người có thể di chuyển xung quanh thì lại không có năng lượng hoặc động lực để làm điều đó”.
“Một số trong những bệnh nhân này còn trẻ và tràn đầy năng lượng”, Schenker nói.
Thật tuyệt vời khi có nhiều người quay trở lại làm việc, họ có thể là nhà giáo dục, luật sư và làm việc trong các ngành nghề khác, nhưng khi họ ngồi hàng giờ, họ cảm thấy lo lắng, bất an và đôi khi bị trầm cảm.
Oyero nói: “Điều phàn nàn chủ yếu là cảm thấy thực sự mệt mỏi, suy giảm năng lượng - chúng tôi còn chưa biết gọi tên là gì. Nhiều người nói rằng họ không có năng lượng như trước đây. Họ mệt mỏi hơn. Một số người nói họ không có động lực để làm việc. Chúng tôi không thể gọi những điều phàn nàn ấy là gì, mà chỉ biết nói với họ rằng họ mắc một hội chứng đặc biệt, và chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ họ”.
Thảo Nguyên