Các nhà khoa học đã chứng minh hành tây có nhiều lợi ích cho sức khỏe, hầu hết đến từ chất chống oxy hóa chứa trong nó.
Nghiên cứu cho thấy một chất chống oxy hóa đặc biệt trong hành tây, được gọi là quercetin, có khả năng bảo vệ sức khỏe theo nhiều cách, chẳng hạn như chống viêm và tăng cường hệ thống miễn dịch.
Lợi ích của hành tây
Nguy cơ ung thư thấp hơn nhờ ăn hành tây
Một nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều hành có ít khả năng mắc bệnh ung thư ruột kết, cổ họng và buồng trứng. Một nghiên cứu khác cho thấy những người đàn ông ăn nhiều rau thuộc họ hành ít có khả năng mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Hành tây cũng là một trong những nguồn thực phẩm giàu quercetin nhất, một chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn chặn một số yếu tố gây ung thư. Do đó, áp dụng chế độ ăn giàu quercetin có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng chất chống oxy hóa trong hành tây có tác dụng chống ung thư.
Tác dụng kháng khuẩn
|
Hành tây có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn. (Ảnh: ITN) |
Theo nhiều nghiên cứu, hành tây có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn. Trong một thí nghiệm, chiết xuất hành và tỏi đã làm chậm sự phát triển của một số vi khuẩn. Tuy nhiên, giới khoa học cần nhiều nghiên cứu hơn để chỉ ra hành tây ảnh hưởng đến vi khuẩn trong cơ thể như thế nào.
Cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Hành tây có fructooligosacarit, chất hoạt động như prebiotic (thức ăn cho vi khuẩn khỏe mạnh trong đường ruột của bạn), có thể giúp tiêu hóa. Chúng đi qua ruột non và nuôi dưỡng vi khuẩn khỏe mạnh trong ruột già.
Các bệnh từ tiểu đường đến ung thư ruột kết và trầm cảm đều có liên quan đến việc không có đủ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.
Tăng cường sức khỏe của xương
Hành tây có thể đóng vai trò ngăn ngừa bệnh loãng xương, một tình trạng làm xương yếu đi. Nghiên cứu ở những người gần hoặc đã qua thời kỳ mãn kinh cho thấy những ai ăn hành hàng ngày có mật độ xương cao hơn, dẫn đến xương chắc khỏe hơn.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ
Hành tây có chứa các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ, mang lại cho chúng mùi vị hăng và nồng. Những hợp chất này có thể giúp giảm mức cholesterol trong cơ thể và giúp phá vỡ cục máu đông, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Giới chuyên gia khuyến nghị bạn nên ăn hành sống thay vì nấu chín để hấp thụ được nhiều hợp chất lưu huỳnh nhất từ chúng.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
Cả quercetin và các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ có trong hành tây đều có tác dụng thúc đẩy sản xuất insulin, khiến chúng trở thành lựa chọn hữu ích nếu bạn mắc bệnh tiểu đường.
Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Flavonoid có nguồn gốc từ thực vật và được tìm thấy với số lượng lớn trong hành tây. Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn lâu dài có nhiều flavonoid làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Tác dụng phụ có thể xảy ra khi ăn hành tây
Chế độ ăn nhiều hành tây có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể của bạn. Khi cơ thể bạn phân hủy các hợp chất lưu huỳnh có trong hành tây, chúng có thể phản ứng với mồ hôi trên da, tạo ra thứ thường được coi là mùi cơ thể khó chịu.
Cơ quan y tế Hoa Kỳ đã phát hiện đợt bùng phát vi khuẩn salmonella gần đây có liên quan đến hành trồng ở California.
Một đợt bùng phát như thế này rất hiếm xảy ra ở hành tây vì lớp vỏ mỏng như giấy bên ngoài của chúng có thể bảo vệ khỏi bị ô nhiễm và quá trình sấy khô hành tây để chuẩn bị bán ra thị trường càng làm giảm nguy cơ phát triển của vi khuẩn.
Mặc dù khả năng hành tây lưu trữ vi khuẩn là rất nhỏ nhưng bạn vẫn nên bảo quản hành tây cắt khúc trong tủ lạnh.
Nếu bạn mắc hội chứng ruột kích thích, bạn nên hạn chế ăn hành bởi chúng có thể làm tăng khí và đầy hơi.
Cách chế biến hành tây
Bạn có thể bảo quản hành tây bằng cách đông lạnh, ngâm chua, đóng hộp hoặc khử nước. Lưu ý nếu hành đã được đông lạnh thì chỉ nên dùng để nấu ăn.
Khi bạn đã sẵn sàng sử dụng hành tây trong các công thức nấu ăn yêu thích của mình, hãy cố gắng chuẩn bị chúng gần với thời gian bạn nấu ăn. Hương vị của chúng giảm đi và mùi của chúng càng nồng hơn khi chúng để lâu hơn sau khi cắt.
Để tránh bị cay mắt khi cắt hành, bạn có thể cắt dưới nước, làm lạnh trước 30 phút hoặc để nguyên phần rễ.
Bạn có thể xào, om, luộc, hấp, nướng hoặc chiên hành. Những cách chế biến này giúp tăng hương vị cho bất kỳ món ăn nào và có thể ăn vào bữa sáng, bữa trưa cũng như bữa tối.
Theo Tùng Lâm/Giaoducthoidai.vn