Hài hước chuyện đàn ông sợ vợ

Google News

Đàn ông sợ vợ có 3 kiểu, thứ nhất là… lùi một bước để cửa nhà ấm êm, thứ hai là thương, nể trọng vợ và thứ ba là sợ vợ thật.

Theo một số nghiên cứu, đàn ông sợ vợ thường có lối sống lành mạnh, địa vị xã hội tốt hơn, đời sống tinh thần ổn định, ít gặp các vấn đề về sức khỏe…
Anh Sơn, 45 tuổi, giám đốc một công ty lớn. Ở cơ quan, anh hô một tiếng, cả trăm quân nghe răm rắp. Ngoài quán nhậu, anh luôn là chủ xị, nói cười, “chém gió” oang oang. Nếu không đến nhà anh, tôi không nghĩ có một vị giám đốc khác: it nói, nói nhỏ, chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời mỗi khi vợ nói. Có hôm đang họp, chỉ cần một cuộc gọi của vợ, ngay lập tức anh phải xin phép nghe máy. Điều ngạc nhiên là thay vì ấm ức khó chịu, Sơn rất thoải mái và luôn khen ngợi vợ mỗi khi anh em, bạn bè nhắc đến cô ấy.
Hai huoc chuyen dan ong so vo
 Những người đàn ông còn dựng cổng xóm "sợ vợ" một cách vui vẻ, thoải mái.
Lý giải cho thắc mắc của tôi, anh nói, đàn ông sợ vợ có 3 kiểu: Thứ nhất là… lùi một bước để cửa nhà ấm êm, thứ hai là thương, nể trọng vợ và thứ ba là sợ vợ thật.
Và vì không có vợ ở bên nên anh nói với tôi rất to, lý giải rất kỹ. Rằng, anh thuộc kiểu sợ vợ thứ hai: nể trọng vợ. Vừa nói anh vừa dẫn chứng vợ anh vừa dạy học, vừa làm quản lý vừa tranh thủ ngoài giờ kinh doanh. Nghĩa là việc nước, việc nhà, việc nào cũng chu toàn. Anh thì công việc quá bận, lại thường xuyên nhậu nhẹt đến khuya, hay đi công tác dài ngày nên luôn cảm thấy mình chưa tròn trách nhiệm với gia đình. Và vì thế, việc anh… sợ vợ là điều không có gì phải nhạc nhiên. Ví von một cách vui vẻ, vị giám đốc 45 tuổi sợ vợ có lý do chính đáng.
Dương, 40 tuổi, nhà báo lại thuộc kiểu sợ vợ thứ nhất: lùi một bước cho cửa nhà ấm êm. Anh kể, mới đây đang ngồi nhậu, nghe người bên cạnh nhắc đến tên Hằng, trùng tên vợ, anh suýt ngã ngửa vì giật mình. Số là hôm đó, anh nói dối vợ đi làm nhưng thực ra đang ngồi chè chén với đám bạn. Nghĩ đến đoạn phải về đối phó với vợ như thế nào nên khi có người nhắc đến tên vợ anh mới chột dạ giật mình. Dương thừa nhận mình sợ vợ, nhất là mỗi khi tranh cãi một vấn đề gì đó trong gia đình. Vợ anh thường nhắc đi nhắc lại cả tiếng đồng hồ lỗi của anh như lười việc nhà, hút thuốc lào, quên đón con... Những lúc như thế, anh gần như không nói gì, hoặc tìm cách đi ra nơi khác. Dương bảo, nghe tiếng càm ràm của vợ nhiều quá thành quen. Sợ nhất là mình mắc lỗi mà vợ im lặng không nói gì.
Kiểu sợ vợ thứ ba thường xảy ra khi người chồng mắc lỗi, bị bắt thóp hoặc người vợ tính cách quá mạnh mẽ, át vía chồng. Trong nhà, mọi việc lớn nhỏ, vợ quyết hết, chồng hoặc im lặng đồng ý, hoặc có ý kiến cũng như không. Thường thì những người chồng như thế kém cỏi mọi mặt, trong khi vợ lại là trụ cột gia đình, có vị trí xã hội, gánh vác cả việc kiếm tiền.
Huy, 36 tuổi, doanh nhân cho rằng còn có một kiểu sợ vợ thứ tư, đó là nịnh vợ. Rồi anh kể chuyện của chính mình rằng, khi mới khởi nghiệp, anh chọn luôn tên xã của vợ để đặt tên công ty. Bạn bè khuyên không nên như thế, vì xã ấy nghèo, lại ở tận miền núi xa xôi, gợi nên nhiều điều không may mắn. Dù vậy, Huy vẫn quyết định chọn tên và ngay lập tức đi làm đăng ký kinh doanh cho vợ vui. Nhưng theo Huy, có một người quen khác của anh còn nịnh vợ “khủng” hơn mình. Anh này chọn hẳn tên vợ đặt tên cho công ty. Khi thiết kế logo, anh yêu cầu phải để chữ M (chữ cái tên vợ) ở phông chữ to nhất, màu sắc hợp với mệnh của vợ. Chia sẻ những câu chuyện như thế, Huy thừa nhận mình là người rất sợ vợ, cho dù vợ Huy rất hiền.
Xã hội hiện đại khá cởi mở đối với chuyện sợ vợ. Trước đây, chỉ cần bạn bè châm chọc “sợ vợ” có thể bị xem là châm biếm, giễu nại, coi thường nhau, có thể là nguyên nhân dẫn đến sứt đầu mẻ trán. Còn ngày nay, đàn ông lập hẳn các hội, nhóm “sợ vợ” để trêu chọc nhau. Nhiều người còn lớn tiếng giữa đám đông khoe mình… sợ vợ. Các trend như “đội vợ lên đầu”, “nhà phải có nóc” trở thành những từ khóa hài hước, vui vẻ và thoải mái nhất trên mạng xã hội. Sợ vợ có thể trở thành chủ đề nói cả ngày không hết chuyện với hàng trăm tình huống câu chuyện tiếu lâm, hài hước khác nhau.
Một số nghiên cứu về gia đình cho kết quả đàn ông sợ vợ có tới 9 lợi thế. Nổi trội là có lối sống lành mạnh, địa vị xã hội tốt hơn, đời sống tinh thần ổn định, ít gặp các vấn đề về sức khỏe…
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của một số chuyên gia, phụ nữ khi được chồng “sợ” không nên lấy điều đó làm tự hào. Trái lại cần phải xem như là sự trân trọng, yêu thương của chồng, là nền móng để vun vén hạnh phúc gia đình. Sợ sợ thực chất là yêu vợ, loại bỏ tư tưởng gia trưởng, hướng tới xu hướng bình đẳng giới trong xã hội hiện đại.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại 
Theo Quang Duy/Gia Đình Việt Nam