|
Hà Nội quyết tâm không để dịch bệnh làm tụt hậu đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Phát biểu tại kỳ họp HÐND TP Hà Nội ngày 7/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới. Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, toàn thành phố có gần 100 F0 đang được điều trị tại nhà.
Đây là các F0 thể nhẹ, không triệu chứng ở 10 quận, huyện. Trong đó, nhiều nhất là ở quận Hà Đông và huyện Hoài Đức. Ngành y tế thành phố cũng hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cho các cơ sở thu dung, trạm y tế lưu động.
Đến nay, 16 quận, huyện đã triển khai cơ sở thu dung F0. Ngay trong tuần này, tất cả các địa phương còn lại đồng loạt triển khai cơ sở thu dung F0 tại trạm y tế lưu động và tại nhà. Bà Hà cho biết, thành phố đã xây dựng hệ thống tiếp nhận, cung cấp thông tin phục vụ theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà gồm Tổng đài 1022 kết nối trực tiếp đến các trạm y tế lưu động toàn thành phố.
Thành phố cũng xây dựng phần mềm trên điện thoại thông minh để người dân tự cập nhật tình trạng sức khỏe, được hỗ trợ y tế cũng như kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh nhân chuyển tầng.
Theo bà Hà, Hà Nội cũng đã triển khai lực lượng hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện, hội phụ nữ, y tế học đường…
Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Trao đổi với báo chí về kết quả Hội nghị Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 6/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, bên cạnh kết quả tích cực cũng còn không ít tồn tại hạn chế. Đó là xuất hiện tình trạng lúng túng trong triển khai, tổ chức thực hiện ở cấp quận, huyện và cơ sở; thậm chí có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là trong việc quyết định biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, quyết định cho cách ly F1, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà.
Đặc biệt, tâm lý chủ quan đang ngày càng phổ biến đối với cả cơ quan có trách nhiệm và người dân. Tình trạng đi lại, tụ tập ăn uống đông người mà không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch ngày càng nhiều.
Ông Dũng yêu cầu UBND thành phố ban hành văn bản làm rõ quy định về phân cấp, giao quyền trong xác định mức độ dịch và quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ dịch trên địa bàn cho UBND các quận, huyện, thị xã; cần thiết tổ chức tập huấn, huấn luyện phương án, cách thức xử lý tình huống dịch bệnh phát sinh cho địa phương.
Đặc biệt chú trọng kế hoạch tăng cường thanh tra công vụ đột xuất để đánh giá trách nhiệm tập thể, cá nhân; kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt và phê bình, kỷ luật nghiêm đối với nơi còn yếu kém.
Theo Trường Phong/ TiềnPhong