Hà Nội cách ly nhà 88 Hàng Gai: Hàng xóm phòng dịch như nào?

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 28/1, công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tiến hành lập hàng rào mềm tạm phong toả số nhà 88 Hàng Gai vì liên quan đến BN 1553 vừa phát hiện ở Quảng Ninh.

Liên quan đến BN 1553 ở Quảng Ninh, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, trưa ngày 28/1, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành phong tỏa số nhà 88 phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm), nơi sinh sống của trường hợp nghi mắc COVID-19.
Hiện tại, ngôi nhà đã có rào chắn phong tỏa. Nhân viên dân phòng của quận cũng túc trực ngay bên ngoài ngôi nhà. Dù vậy, để ngăn chặn sự lây lan của COVID - 19, những người sống cùng nơi lưu trú với trường hợp nghi nhiễm cũng cần hết sức cảnh giác phòng dịch.
Ha Noi cach ly nha 88 Hang Gai: Hang xom phong dich nhu nao?
 Trưa 28/1, ngôi nhà số 88 Hàng Gai - nơi sinh sống của gia đình ca nghi mắc covid - 19 - có liên quan đến BN 1553 được chốt chặn, phong tỏa. Ảnh: Vov.
Thứ nhất, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh, nhất định phải đeo khẩu trang khi đi đến nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế. Nguyên nhân bởi khẩu trang giúp ngăn chặn sự lây lan của virus, không cho virus truyền từ người này sang người khác.
Thứ hai, thường xuyên rửa tay với xà phòng, nước sạch hoặc các sản phẩm vệ sinh tay chứa cồn tối thiểu 30s sau khi hắt hơi, ho, tháo khẩu trang... để tiêu diệt mầm bệnh.
Thứ ba, thường xuyên khử khuẩn. Bình thường, virus có khả năng tồn tại trên bề mặt vật dụng vài tiếng đồng hồ, thậm chí vài ngày. Thế nhưng, chúng lại dễ dàng bị tiêu diệt bởi các chất khử trùng đơn giản. Do đó, hàng xóm căn nhà bị phong tỏa nên tiến hành khử khuẩn các bề mặt vật dụng như bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang,…
Thứ tư, hạn chế đi lại và tập trung đông người. COVID-19 dễ dàng lây từ người qua người thông qua tiếp xúc gần. Do vậy, hàng xóm số nhà 88 Hàng Gai cần hạn chế tối đa việc di chuyển, tập trung đông người.
Thứ năm, do lưu trú gần người nghi nhiễm COVID-19, người dân nơi đây cần thông báo ngay cho cán bộ y tế phường khi có một trong các triệu chứng nghi mắc bệnh như sốt, ho, khó thở.
Bên cạnh đó, người dân sống gần căn nhà bị phong tỏa cũng nên chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe bản thân như:
- Hạn chế đưa tay lên mũi, mắt, miệng.
- Không khạc nhổ nước bọt, dịch đờm bừa bãi.
- Tự theo dõi sức khỏe và kiểm tra nhiệt độ mỗi ngày.
- Luôn giữ ấm cho cơ thể, tập thể dục thể thao, thực hiện ăn chín và đầy đủ dinh dưỡng
- Thường xuyên mở cửa sổ thay vì đóng kín, mở điều hòa.
- Súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch diệt khuẩn.
- Khi hắt hơi hoặc ho nên che lại bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy, khăn vải. Giặt sạch khăn hoặc bỏ khăn vào thùng rác có nắp.
Định Tâm