Bệnh gút là một dạng viêm khớp phổ biến, người bệnh thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo cơn đau là hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được do đau. Nhiều bệnh nhân miêu tả đau do gút thực sự ám ảnh, “gió thổi cũng đau”.
Nguyên nhân gây ra bệnh là do sự rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Acid uric là nhân purin có trong DNA và RNA bị phân hủy sinh lý.
Sau khi hình thành, acid đi vào máu rồi đến thận sẽ được lọc bỏ, đào thải ra khỏi cơ thể. Khi lượng acid uric trong máu tăng cao, thận không kịp lọc để đào thải dẫn đến acid tích tụ thành tinh thể urat trong các mô, nhất là trong các khớp xương.
|
Bệnh gút gây đau nhức đến mức không thể đi lại bình thường. Nhiều người miêu tả nó khủng khiếp đến mức "gió thổi cũng đau". Ảnh: Nutrition N Power. |
Tích lũy càng nhiều càng khiến các khớp xương viêm nhiễm, đau nhức khó chịu, từ đó gây nên bệnh gút. Đây là lý do tại sao người ta thường thấy các cơn gút cấp đau đớn đến mức không thể ra khỏi giường hay đi lại được, khớp không thể uốn cong.
Nhiều người cho rằng hải sản, thịt là nguyên nhân gây bệnh gút. Theo bác sĩ Wei Huayi, nghiên cứu chỉ ra dùng 1 phần đồ chứa đường fructose mỗi ngày làm tăng 74% nguy cơ mắc bệnh gút. Uống hai phần đồ uống chứa đường fructose mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút lên 239%.
Để ngừa gút, người trẻ nên tránh xa các loại “đồ ngọt chế biến sẵn”, đặc biệt là đồ uống. Ngày nay, độ tuổi mắc gút ngày càng có sự trẻ hóa do những loại đồ uống chứa đường fructose rất dễ kiếm.
|
Bia đứng đầu top thực phẩm dễ gây bệnh gút. Tiếp đó là hải sản, nội tạng, thịt và đồ uống chế biến sẵn. Ảnh: Theo Nutrition N Power. |
Nhấn mạnh top thực phẩm dễ gây bệnh gút, Hu Zongqing - Giám đốc Khoa Miễn dịch và Thấp khớp, Bệnh viện Fengyuan, cho biết đứng đầu là bia, tiếp đến là hải sản, nội tạng, thịt và đồ uống chế biến sẵn. Để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất nên tránh xa những thực phẩm này.
Để ngăn ngừa bệnh gút, bác sĩ dinh dưỡng Tống Minh Hoa cho rằng ngoài tránh thực phẩm dễ gây bệnh gút còn cần kiên trì tập luyện, cố gắng đạt 6 giờ mỗi tuần sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
Kiểm soát cân nặng bằng cách ăn uống đa dạng, cân bằng dinh dưỡng. Tránh ăn quá nhiều tinh bột trắng như cơm, mì trắng, bánh mì, bánh mì nướng. Thịt đỏ và chất béo cũng nên thận trọng. Nguyên nhân bởi thịt cá chứa lượng lớn đạm và chất béo, ức chế đào thải acid uric, làm tăng nguy cơ đối diện với các cơn đau do gút.
Sử dụng các sản phẩm từ đậu nành hợp lý. Nếu ăn lẩu, nên sử dụng nước lẩu một cách thông minh. Theo đó, bạn có thể dùng nước lẩu khi nhúng rau củ do lúc này nước lẩu trong, không quá mặn. Khi nhúng lượng lớn thịt, hải sản, nước lẩu sẽ chứa nhiều purin, độ mặn cao nên tốt nhất không nên dùng nhiều.
Cuối cùng, nên uống nhiều nước và ít rượu bia. Axit uric được chuyển hóa chủ yếu tại thận. Uống đủ nước giúp thận bài tiết axit uric thuận lợi. Ngược lại, rượu chứa nhiều purin, cản trở quá trình chuyển hóa axit uric nên tốt nhất không nên uống.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Bệnh gút ở Việt Nam rất nặng, ít gặp ở các nước phát triển
Định Tâm (Theo Nutrition N Power )