Giác hơi không còn xa lạ với những ai chú ý đến việc giữ gìn sức khỏe. Đây là một phương pháp giữ gìn sức khỏe của y học cổ truyền được rất nhiều người hoan nghênh.
Nói chung, lưng là bộ phận phổ biến được giác hơi, sau khi giác hơi sẽ để lại dấu vết trên cơ thể, một số người thì dấu vết nhạt, còn một số người thì sẫm màu hơn. Có nhiều người nói rằng, giác hơi chính là hút máu độc ra khỏi cơ thể, vết giác hơi càng rõ thì càng nhiều độc tố được thải ra, điều này có đúng không? Bài viết này sẽ cho bạn biết sự thật.
|
Ảnh minh họa. |
Đầu tiên phải khẳng định, giác hơi có tác dụng tốt, phù hợp với nhiều lứa tuổi, lợi ích của giác hơi đối với cơ thể chủ yếu thể hiện ở hai điểm.
Điểm thứ nhất có thể khai thông kinh mạch, giữ cho khí và huyết không bị tắc nghẽn, điểm thứ hai là có thể tăng cường chính khí và loại bỏ các yếu tố gây bệnh, điều chỉnh cân bằng âm dương. Giác hơi có thể tận dụng các điểm kinh lạc để mở các lỗ chân lông tại chỗ trên da, giúp khí huyết lưu thông, cải thiện tình trạng tê cứng cục bộ.
Từ nguyên lý giác hơi có thể thấy liệu pháp này kích thích vùng giác hơi thông qua sự chênh lệch áp suất giữa bên trong và bên ngoài thân cốc. Vùng da bị giác hơi sẽ có một số mao mạch li ti bị vỡ, tạo thành hiện tượng ứ máu, sau đó tán huyết nhẹ, cơ thể có thể được kích thích để tăng cường miễn dịch, từ đó sinh ra tác dụng tích cực.
|
Ảnh minh họa. |
Màu sắc của vết giác hơi không liên quan gì đến độc tố trong cơ thể con người, thực tế không thể thải độc tố trong cơ thể chúng ta bằng các biện pháp tác động vật lý, dù là giác hơi, châm cứu, xoa bóp... Đây chỉ là liệu pháp y học cổ truyền giúp kích thích các huyệt đạo để tăng cường sức khỏe.
Do quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng như độ ẩm và tính hàn bên ngoài, màu sắc của vết giác hơi còn liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, máu ứ được hút ra sau giác hơi không phải là độc tố trong cơ thể, khi thấy vết giác hơi đậm, bạn đừng nghĩ tới chuyện giác hơi thường xuyên để loại bỏ độc tố.
|
Ảnh minh họa. |
Dưới đây là 4 quan điểm sai lầm phổ biến về giác hơi, đừng mắc phải nhé.
Sai lầm 1: Mọi bộ phận của cơ thể đều có thể giác hơi.
Không thể giác hơi ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, chẳng hạn như vùng trước tim, núm vú, rốn, vết thương và vùng da non.
Sai lầm 2: Thời gian giác hơi càng lâu thì càng tốt
Giác hơi càng nhanh càng tốt, nếu thời gian quá lâu, da sẽ bị căng và tổn thương nhiều hơn, dễ nổi mụn nước gây nhiễm trùng da, nên kiểm soát thời gian giác hơi trong vòng 5 - 10 phút, không được vượt quá 2 - 3 lần một tuần.
Sai lầm 3: Mọi người đều có thể giác hơi
Giác hơi không phù hợp với tất cả mọi người, sau khi giác hơi sẽ tạo ra kích thích đau đớn và có thể gây tụ máu, ứ máu, không phù hợp với những bệnh nhân mắc các bệnh liên quan.
Ví dụ như bệnh nhân bị bệnh phổi, mất máu nặng, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai, rối loạn cảm xúc hoặc đau chân tay bất thường, bệnh nhân có thể trạng yếu hoặc da nhạy cảm,… thì tốt nhất không nên giác hơi. Những người mắc bệnh truyền nhiễm, tim mạch, các bệnh về máu,… cũng nên thận trọng trong việc giác hơi.
Sai lầm 4: Tắm ngay sau khi giác hơi
Không nên tắm ngay sau khi giác hơi. Đối với những người có hơi nước trên da sau khi giác hơi hoặc có vết giác hơi sẫm màu thì da có thể bị tổn thương. Tắm ngay sẽ dễ làm da bị kích ứng, khó chịu. Nếu vết giác hơi nhạt, bạn cũng không thể tắm ngay, sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của giác hơi.
Kiều Dụ (Theo TT)