Giá tiêu hôm nay 14/7: Lặng sóng
Giá tiêu hôm nay ngày 14/7/2023 tại thị trường trong nước chững lại. Theo khảo sát tại các tỉnh trọng điểm, thị trường nội địa đang ghi nhận khoảng giá quanh mốc 67.000 - 70.000 đồng/kg.
Giá tiêu trong nước
Giá tiêu hôm nay ngày 14/7/2023 tại thị trường trong nước không có thay đổi. Cụ thể, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu được thương lái thu mua quanh mốc 67.000 – 68.000 đồng/kg.
Trong đó, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) được thương lái thu mua ở mức 67.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Lắk và Đắk Nông hôm nay ở mức 68.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại khu vực Đông Nam bộ cũng duy trì ổn định so với hôm qua. Hiện tiêu tại khu vực này đang được thu mua quanh mốc từ 68.500 – 70.000 đồng/kg.
Trong đó, tại Đồng Nai, giá tiêu ở mốc 68.500 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá tiêu ở mức 69.000 đồng/kg. Giá tiêu Bà Rịa Vũng Tàu vẫn giữ mức cao nhất, ở mức 70.000 đồng/kg.
Giá tiêu thế giới
Trên thị trường thế giới, theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cập nhật và niêm yết mức giá ngày 13/7 (theo giờ địa phương), giá tiêu thế giới so với ngày 12/7 như sau:
- Tiêu đen Lampung (Indonesia): Ở mức 3.740 USD/tấn, tăng 0,72%
- Tiêu đen Brazil ASTA 570: Ở mức 2.950 USD/tấn, không đổi
- Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: Ở mức 4.900 USD/tấn, không đổi
- Tiêu trắng Muntok: Ở mức 6.474 USD/tấn, tăng 0,7%
- Tiêu trắng Malaysia ASTA: Ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.
Dự báo giá tiêu
Hiện, Indonesia đang bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu mới, tạo áp lực lên giá hồ tiêu xuất khẩu trên toàn cầu. Thị trường đang kỳ vọng rằng các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ sẽ tăng mua hàng trở lại.
Trong nửa đầu năm, thị trường trên thế giới đã gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát và lãi suất tăng cao. Thống kê cho thấy, Mỹ đã giảm lượng hồ tiêu nhập khẩu từ tất cả các thị trường cung cấp chính trong nửa đầu năm.
Hai yếu tố chính đang thúc đẩy động thái này, đầu tiên, lạm phát đã làm tăng lãi suất, khiến các công ty giảm hàng tồn kho để giảm chi phí tài chính và xả kho các dự trữ hồ tiêu. Thứ hai, chi phí và thời gian vận chuyển đã trở lại mức bình thường trước đại dịch, do đó các nhà nhập khẩu không còn cần phải giữ hàng tồn kho lớn hơn để đáp ứng nhu cầu.
Các chuyên gia hy vọng rằng thị trường Mỹ và châu Âu sẽ tăng cường mua hồ tiêu trong thời gian tới, khi giá cả và điều kiện vận chuyển đã ổn định. Đây là tin vui đối với ngành hồ tiêu và có thể đẩy giá tiêu tăng lên trong những tháng cuối năm.
Kiều Dụ (TH)