Việt Nam đang đạt mức sinh thay thế lý tưởng (2 con/phụ nữ), tuy nhiên một số khu vực ở Việt Nam đang có mức sinh giảm. Nhiều chuyên gia dân số lo ngại, đây là xu hướng tất yếu và có khả năng lan rộng. Điều này sẽ kéo theo nhiều gánh nặng cho xã hội.
Cho cũng không đẻ
Vợ chồng chị Huỳnh Ái Phương (35 tuổi, sống ở quận Tân Bình, TP.HCM) có 1 con gái năm nay đã 9 tuổi, nhưng anh chị không có ý định sinh tiếp. Chị Phương cho biết, hồi còn trẻ vợ chồng nghèo khó, phải thuê nhà ở trọ chật chội, tiền tiêu cũng phải tiết kiệm. Sinh một đứa con, phải lo tiền sữa, tiền bỉm, áo quần... cũng mệt nhoài, nên không có ý định sinh tiếp. Còn khi con lớn hơn, kinh tế khấm khá thì hai vợ chồng lại lo làm việc, thăng tiến. Giờ hai vợ chồng bận rộn công việc, nếu rảnh thì muốn dành thời gian hưởng thụ cuộc sống, đi ăn chơi, du lịch... thay vì đẻ và bận rộn chăm con nhỏ.
|
Mục tiêu chính sách dân số hiện nay là vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. (ảnh minh họa). Ảnh: Diệu Linh |
Theo Bộ Y tế, hiện nay, dân số Việt Nam khoảng 93,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm còn 1,17% năm 2005 và ở mức 1% vào năm 2016. Như vậy, 25 năm qua, Việt Nam đã hạn chế, tránh sinh được hơn 27 triệu người, tương đương dân số 27 tỉnh có quy mô dân số ở mức trung bình hiện nay.
“Sướng quen rồi, nên giờ nghĩ phải nặng nề bầu bí, bận bịu chăm con nhỏ 1-2 năm thì mình sợ lắm. Cả chồng mình cũng sợ. Vì thế nên mình quyết định không sinh nữa” - chị Phương cười.
Còn chị Nguyễn Thị Lý (28 tuổi, quê Bình Lục, Hà Nam) vào TP.HCM làm thuê. Chị cho biết, vợ chồng có 1 đứa con trai rồi cũng thôi không sinh nữa. “Các cụ ngày xưa có quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Nhưng giờ không dễ dàng thế được. Nuôi con là phải cho con sung sướng, bằng bạn bằng bè, cho ăn đồ ngon, mặc đẹp, học trường tốt. Vợ chồng em nghèo, chỉ chăm lo cho 1 đứa con là hết hơi rồi. Sinh cho biết sinh thôi...” - chị Lý chia sẻ.
Theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mức sinh ở Việt Nam đang không đồng đều. Năm 2015, có 13/63 tỉnh có mức sinh thấp (dưới 1,8 con/phụ nữ); 14/63 tỉnh ở mức sinh thay thế (từ 1,8 - 2,5 con/phụ nữ). Hiện còn 2/6 vùng kinh tế - xã hội chưa đạt mức sinh thay thế (trên 2,5 con/phụ nữ)
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho hay, tính trung bình cả nước thì Việt Nam vẫn ở mức sinh lý tưởng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta có hai khu vực đang dưới mức sinh thay thế là khu vực miền Đông Nam Bộ khoảng dưới 1,7 con/phụ nữ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,8 con/phụ nữ. Riêng TP.HCM mức sinh có lúc thấp nhất xuống tới 1,3 con, còn hiện tại khoảng 1,4 con/phụ nữ. “Đây là mức sinh rất thấp, tương ứng với các nước đang phát triển ở châu Âu hiện nay” – ông Tân nhận định.
Theo ông Tân, xu hướng giảm sinh là một xu hướng tất yếu và ngày càng lan rộng. Nếu mức sinh quá thấp trong một thời gian dài thì dân số sẽ già hoá, lực lượng lao động giảm, nền kinh tế sẽ chịu áp lực lớn. Nhiều nước trên thế giới đang phải chịu hậu quả này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Ý, Thuỵ Điển…
Nên bỏ chính sách “sinh 2 con”
GS Nguyễn Đình Cử (Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em) cho biết, xu thế giảm sinh sẽ nhanh chóng lan rộng. GS Cử lý giải, Việt Nam làm chương trình kế hoạch hóa gia đình từ năm 1961, hơn một nửa thế kỷ qua được tuyên truyền, người dân đã “ngấm” và thấy được lợi ích của việc sinh ít con. Hệ thống dịch vụ y tế cũng đã bao phủ các vùng miền, giúp người dân kiểm soát được việc sinh đẻ. Do đó, có khuyến khích đẻ nhiều họ cũng không đẻ.
Theo GS Cử, ở Việt Nam hiện nay, người tham gia quá trình sinh sản là thanh niên dưới 35 tuổi trở xuống. Đây là thế hệ Internet, sống sung sướng, được giáo dục, tiếp thu tri thức hiện đại trong đó có kiến thức về kế hoạch hóa gia đình. Họ hiểu được rằng sinh nhiều con sẽ vất vả, hạn chế thời gian, trí lực để lao động, thăng tiến và hưởng thụ. Do đó, nhiều thanh niên không thích nặng gánh gia đình, vất vả sinh nhiều con. “Thanh niên hiện nay có nhiều mục tiêu trong cuộc sống như thăng tiến, phát triển sự nghiệp, làm giàu, vui chơi, giải trí. Nếu sinh con họ sẽ bận rộn, sẽ mất thời gian, công sức, mất cơ hội. Vì thế, có “khuyến đẻ” chưa chắc họ đã đẻ” – GS Cử nói.
GS Cử nêu bài học ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore sau khi đạt mức sinh thay thế, rất lâu sau các nước này mới điều chỉnh chính sách dân số. Nhưng đến khi họ lo ngại về mức sinh giảm, thay đổi chính sách không hạn chế sinh, thậm chí khuyến khích sinh nhiều con thì người dân vẫn lười… đẻ. Nếu mức sinh giảm, xã hội toàn người già thì lực lượng lao động giảm, đồng thời kéo theo nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người nhà. Như vậy, xã hội thiếu lao động, tăng hệ thống an sinh, “thu ít mà chi nhiều”.
“Chúng ta đã đạt mức sinh thay thế được 10 năm và đã xuất hiện xu hướng giảm sinh. Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi khẩu hiệu “mỗi gia đình chỉ sinh hai con” mà cho phép vợ chồng tự quyết định số con” – GS Cử khuyến cáo. Còn theo ông Tân, trước xu thế giảm sinh, Việt Nam cũng cần phải nghiêm túc có các nghiên cứu, đề xuất các chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Hiện chính sách dân số vận động các cặp vợ chồng “sinh đủ 2 con” ở một số tỉnh thành phố có mức sinh thấp. Còn các thành phố có mức sinh cao vẫn vận động người dân “chỉ sinh 2 con”.
Theo Diệu Linh/Dân Việt