Ngày 2/4 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị, được yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn.
Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng lưu tâm.
Trong báo cáo cuối năm 2024, khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp đón trên 45 nghìn lượt trẻ đến khám sức khỏe tâm thần nói chung, trong đó xấp xỉ 20% khám vì dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ. Như vậy, mỗi năm có xấp xỉ 10.000 lượt trẻ khám tự kỷ.
Theo các nghiên cứu lớn trên thế giới, tỷ lệ trẻ tự kỷ chiếm khoảng 1% dân số. Tại Việt Nam, con số này cũng được dự báo tương đương.
 |
Ngày 2/4 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ. (Ảnh Internet) |
Ths.Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm 2018, bệnh viện phối hợp với trường Đại học Y tế công cộng thực hiện nghiên cứu cấp quốc gia sàng lọc trẻ dưới 6 tuổi ở 7 điểm đại diện cho vùng miền ở Việt Nam.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc tự kỷ dưới 6 tuổi khoảng 0,7%. "Nếu chúng tôi mở rộng nghiên cứu với trẻ trên 6 tuổi, chúng tôi nghĩ con số này còn cao hơn", bác sĩ Mai Hương khẳng định.
Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ cha mẹ đưa con đến khám sớm, trước 2 tuổi ngày càng tăng cao. Điều đó cho thấy, khi chỉ có dấu hiệu mơ hồ, các cha mẹ cũng đã lo lắng và cho con đi khám từ sớm để tìm hiểu nguyên nhân việc phát triển chậm của con.
Theo bác sĩ Mai Hương, hiện tự kỷ chưa có phương pháp chữa khỏi. Những trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, đúng cách, đủ thời gian, có sự phối hợp giữa cha mẹ và nhà chuyên môn thì những ảnh hưởng của tự kỷ với đời sống, chức năng của trẻ sẽ giảm xuống, giúp trẻ gia tăng chất lượng sống, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Khi trẻ đến khám ở tuổi nhỏ, trẻ có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động can thiệp sớm, hiệu quả can thiệp cao, chi phí can thiệp và tác động tiêu cực đến trẻ, gia đình, xã hội sẽ giảm xuống.
Giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ là trước 4 tuổi, đặc biệt trước 3 tuổi vì đây là giai đoạn não bộ đang phát triển. Những can thiệp lúc này của các nhà chuyên môn sẽ thúc đẩy hoạt động phát triển não bộ cho trẻ.
Ngoài việc can thiệp tại các trung tâm, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Cha mẹ phải là người chủ động nắm bắt thông tin, tích lũy cho mình kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ các nhà chuyên môn cùng đồng hành trong hành trình can thiệp cho con.