Ngày nay, nhiều người dùng thường xuyên mang theo các thiết bị di động khi đi vệ sinh như điện thoại hay thậm chí là tay cầm chơi game như Nintendo Switch hay Steam Deck. Trong nghiên cứu của NordVPN vào năm 2022, 65% trong số 9.800 người được khảo sát nói rằng họ thường xuyên dùng điện thoại trong phòng tắm.
Đây không phải là một thói quen gì xa lạ bởi trước đây nhiều người đã thích đem sách, báo vào nhà vệ sinh. Đến khi smartphone, một thiết bị nhỏ gọn, có khả năng thực hiện nhiều tác vụ, ra đời, con người lại càng có xu hướng mang theo chúng để giết thời gian trong nhà tắm.
Hiểm họa khôn lường từ thói quen dùng điện thoại khi đi vệ sinh
“Có 2 loại người trên thế giới. Một là những người có thói quen dùng điện thoại trong nhà vệ sinh. Nhóm còn lại sẽ nói dối rằng mình không sử dụng điện thoại trong nhà tắm”, Nir Eyal, cây bút kiêm giảng viên chuyên nghiên cứu về hành vi và thói quen con người, nhận định.
Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu rõ mối nguy của việc này ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Trên lý thuyết, mọi người không nên không nên ngồi quá 10 phút trong nhà vệ sinh, Tiến sĩ Roshini Raj, chuyên khoa dạ dày - ruột tại NYU Langone Health cho biết.
|
Đa số đều có thói quen dùng điện thoại khi đi vệ sinh. Ảnh: NordVPN.
|
Theo chuyên gia, ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh sẽ tăng khả năng mắc bệnh trĩ do áp lực lên các cơ quan trong cơ thể trong một thời gian dài. Cụ thể, bồn cầu được thiết kế sao cho phần lỗ thoát nằm ở chính giữa, khiến hậu môn phải tụt xuống thấp hơn phần chân đang phải chống đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể.
Với vị trí này, trọng lực sẽ dồn xuống phần thân dưới, tạo áp lực rất lớn cho tĩnh mạch của hậu môn trực tràng dẫn đến trĩ. “Ngay cả khi mọi người không dùng sức mà chỉ ngồi trên bồn cầu vẫn sẽ tạo áp lực lên phần tĩnh mạch này”, Tiến sĩ Roshini Raj nói.
Bên cạnh đó, nếu ngồi trong nhà vệ sinh dùng điện thoại quá lâu, cơ thể sẽ dần quên phản xạ tự nhiên, làm rối loạn vận động của ruột. Quá trình đẩy phân qua ruột để đến trực tràng được gọi là nhu động ruột.
Tuy nhiên, nếu ngồi trên bồn cầu quá lâu, quá trình này sẽ bị ảnh hưởng. “Nếu ngồi toilet một thời gian dài nhưng không đi vệ sinh, nhu động ruột sẽ yếu dần. Cơ thể bạn sẽ không nhận ra dấu hiệu cần đi vệ sinh, dẫn đến táo bón”, Tiến sĩ Raj cho biết.
Ngoài ra, thói quen dùng smartphone trong nhà vệ sinh sẽ làm tăng khả năng lây lan vi khuẩn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra phòng tắm là nơi chứa hàng triệu vi khuẩn. Mỗi lần dội bồn cầu sẽ tạo ra rất nhiều mầm bệnh, phát tán đến những bề mặt xung quanh kể cả điện thoại khi đặt gần bệ xí.
“Tôi chứng kiến rất nhiều người bị ngộ độc thực phẩm hoặc mắc các bệnh khác chỉ vì thói quen thiếu vệ sinh trong phòng tắm”, Raj nói. Nếu chơi video game hay sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh, mọi người sẽ chạm vào những thứ mất vệ sinh, sau đó những vi khuẩn sẽ bám vào máy và được chúng ta mang theo nhiều nơi.
Cần điều chỉnh thói quen dùng điện thoại
Do đó, mọi người cần thay đổi thói quen đi vệ sinh để tránh gây hại cho cơ thể nhưng cũng không cần quá tạo áp lực cho mình. Chuyên gia Nir Eyal cho rằng việc thúc ép bản thân thay đổi thói quen ngay lập tức sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần hơn cả. “Mọi người chỉ cần có ý thức về thói quen của mình và lập kế hoạch để thay đổi dần dần”, Eyal nói.
Theo chuyên gia, việc mang điện thoại vào phòng tắm chỉ trong vài phút để hoàn thành nốt việc đang làm dở chẳng có gì xấu. Nhưng ở trong nhà vệ sinh suốt 30 phút chỉ để lướt TikTok và Instagram một cách vô thức là một hành vi không tốt cho sức khỏe.
“Lời khuyên tốt nhất là bạn cần biết mình nên làm gì trong một khoảng thời gian nhất định và ưu tiên cho những công việc quan trọng hơn thay vì phí hoài thời gian trong nhà vệ sinh”, Eyal chia sẻ.
|
Người dùng cần điều chỉnh lịch sinh hoạt và ưu tiên cho những công việc cần thiết để không tốn thời gian vô ích chỉ để lướt điện thoại trong toilet. Ảnh: Alamy.
|
Mọi người cũng nên nhớ rằng về bản chất, điện thoại và những thiết bị di động khác không hề xấu và cũng không thiết kế để gây xao nhãng cho con người. Người dùng mất hàng giờ đồng hồ với những thiết bị này một cách vô thức là bởi họ phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống thực và mong muốn thoát khỏi nó.
“90% thời gian chúng ta bị xao nhãng bởi điện thoại là vì vấn đề của chính bản thân chúng ta. Sự nhàm chán, cô đơn, mệt mỏi, hoang mang, áp lực hay căng thẳng đều có thể khiến chúng ta muốn thoát khỏi hiện thực bằng cách lướt điện thoại”, Eyal nói.
Do đó, để giải quyết vấn đề này, mọi người cần tự hỏi rằng bản thân có cần dành quá nhiều thời gian cho điện thoại như vậy hay không, ngay cả khi đang đi vệ sinh. “Nếu không giải quyết ngọn ngành vấn đề, chúng ta sẽ không thể nào thoát khỏi thói quen dùng điện thoại trong nhà vệ sinh”, chuyên gia khẳng định.
Theo Thùy Liên/Zing News