Ngày còn là thanh niên, tôi to cao đẹp trai và được nhiều cô gái để mắt đến. Nhưng những cô gái thích tôi toàn là những người có gia đình bình thường, nếu lấy họ tôi không thể dựa dẫm vào nhà ngoại được.
Vì muốn có nhà thành phố nên tôi chấp nhận lấy người con gái bình thường miễn sao gia đình phải khá giả. Một lần về nhà sếp nhậu, ông bất ngờ giới thiệu tôi với 1 cô cháu gái tên My.
Ngoại hình của My rất bình thường, ăn nói không được khôn, đi đứng chậm chạp. Lúc tôi đang tìm lý do để từ chối thì sếp nói ngày xưa My học hành nhiều quá nên bị trầm cảm mới như thế. Nhưng thật ra My tốt tính, hiền lành, nếu tôi đồng ý cưới thì bố mẹ cô ấy sẽ cho mảnh đất ngay cạnh xây nhà.
Vì ham mảnh đất nên tôi đồng ý cưới My làm vợ. Đúng như lời hứa, sau khi chúng tôi làm thủ tục đăng ký kết hôn xong, bố mẹ trao tặng sổ đỏ cho vợ chồng tôi.
Do vợ tôi không được khôn ngoan lắm nên chẳng thể đi làm kiếm tiền được mà ở nhà nội trợ. Mọi chi tiêu trong nhà do tôi bỏ ra hết, với đồng lương của tôi có lẽ cả đời cũng chẳng thể xây nhà được. Thương con cháu phải thuê trọ, bố mẹ vợ lại bỏ tiền ra xây nhà cho chúng tôi.
|
Thương con cháu phải thuê trọ, bố mẹ vợ lại bỏ tiền ra xây nhà cho chúng tôi. (Ảnh minh họa)
|
Nhờ có sự hỗ trợ rất lớn từ phía nhà vợ mà gia đình tôi có được ngôi nhà khang trang để ở. Nhà mới xây xong được hơn 1 năm thì vợ tôi mất. Hôm đó, tôi đang làm việc, em trai vợ báo tin My đi chợ và bị tai nạn giao thông. Tôi hốt hoảng chạy đến nơi thì thấy vợ đã mất.
Nhiều lần tôi dặn vợ đi đường phải cẩn thận và không được đi xe máy, thế mà cô ấy không nghe vẫn lén lấy xe đi trên phố. Vậy là, chúng tôi cưới được mới có 4 năm mà đã phải xa nhau mãi mãi.
Trong suốt thời gian qua, tôi không yêu đương người phụ nữ nào, tôi luôn tự nhủ sẽ ở vậy nuôi con và thờ vợ.
Hiện tại, vợ tôi mất đã được 3 năm, phía nhà nội khuyên bảo tôi nên tìm vợ mới, không thể sống cảnh gà trống nuôi con mãi thế được. Người mất thì đã mất, người sống cần phải sống tốt hơn nữa. Mẹ tôi còn nói mỗi lần 2 bố con về quê chơi nhìn mà xót thương, nước mắt cứ ứa ra, không biết bao giờ tôi mới hết khổ.
Không muốn mẹ đẻ phải lo nghĩ về con cháu nữa nên tôi quyết định mở lòng tìm hiểu 1 người đồng nghiệp tên Huế thích tôi từ lâu. 1 tháng nay, tôi thường đưa Huế về nhà chơi. Tôi muốn xem cô ấy có đối xử tốt với con riêng của mình không.
Qua nhiều ngày quan sát, tôi thấy Huế rất quý và thương con trai tôi. Mỗi lần đến chơi, cô ấy thường mua đồ chơi và sữa cho con. Những lúc 3 người đi chơi cùng nhau, Huế luôn ở bên cạnh và chăm chút con rất cẩn thận. Người ngoài nhìn vào tưởng chúng tôi là 1 gia đình.
|
Những lúc 3 người đi chơi cùng nhau, Huế luôn ở bên cạnh và chăm chút con rất cẩn thận. (Ảnh minh họa)
|
Huế đối xử rất tốt với bố con tôi nhưng mẹ vợ lại ghét cô ấy ra mặt. Mỗi lần tôi đưa bạn gái về chơi, mẹ vợ liền qua nhà nói những câu không hay như "con tôi mất anh là người hạnh phúc nhất, vừa có nhà lại được vợ mới xinh đẹp nữa. Chỉ khổ My mất sớm, để lại chồng con nhà cửa cho kẻ khác hưởng".
Tôi thường nhịn và bảo Huế đừng chấp với mẹ vợ, bởi người mẹ nào rơi vào cảnh mất con cũng đau lòng thế. Nhưng tần suất mẹ vợ nói càng nhiều, từ ngữ càng cay nghiệt, không giữ sĩ diện cho con rể làm tôi rất buồn.
Hôm chủ nhật vừa rồi, ông bà nội ra thăm bố con tôi và muốn xem mặt con dâu tương lai. Tôi làm mâm cơm mời bố mẹ 2 bên đến nói chuyện. Khi biết tôi có ý muốn lấy Huế, mẹ vợ nói tôi muốn cưới ai không có quyền ngăn cản. Nhưng sau khi cưới ở đâu thì ở đừng sống trên mảnh đất của bố mẹ vợ cho là được.
Bố mẹ tôi không đồng ý, bởi đất đã cho vợ chồng tôi thì nhà ngoại không có quyền nữa. Bên ngoại cũng chẳng chịu thua, vậy là 2 bên có cuộc cãi nhau rất lớn và không ai chịu nhường ai.
Tôi sẵn sàng cùng Huế và con ra ngoài thuê trọ để trả lại ngôi nhà cho bố mẹ vợ. Nhưng tôi không muốn bà ngoại đã mất con gái, bây giờ lại mất cháu ngoại. Tôi muốn sống cùng để sau này ông bà ngoại về già, thay vợ chăm sóc cho 2 người. Tôi không dám nói ra ý định đó, sợ họ cho là người con rể sống giả nhân giả nghĩa. Theo mọi người, tôi phải nói sao để mẹ vợ chấp nhận cho tôi đi bước nữa đây?
Theo Phương Linh/Arttimes