Sau khi kết hôn, nhờ được bố mẹ vợ tạo điều kiện giúp đỡ, cấp vốn cho làm ăn mà chồng tôi dần phát triển, có sự nghiệp riêng. Bởi thế, chỉ trong vòng 5 năm sau cưới, 2 đứa mua được nhà, sắm xe.
Tuy nhiên 2 năm trở lại đây công việc làm ăn của bố tôi gặp khó khăn. Kế toán công ty lại ôm tiền bỏ trốn khiến ông rơi vào tình cảnh lao đao, vay mượn khắp nơi lo trả lãi ngân hàng. Thời gian đầu bố tôi còn giấu không cho các con biết, tới khi công ty không thể cầm cự được, buộc tuyên bố phá sản, lúc ấy chúng tôi mới rõ mọi chuyện.
Buồn hơn cả, khi gia đình vợ gặp biến cố, chồng tôi liền quay ra thái độ. Trước đây khi ông bà có tiền thì anh quan tâm săn sóc. Lúc họ không còn tài sản, anh liền lạnh nhạt hơn cả người dưng. Thậm chí sợ ông bà liên lụy tới mình, anh còn không cho vợ con về bên ngoại.
Lúc bố mẹ vợ không còn tài sản, chồng tôi liền lạnh nhạt hơn cả người dưng. (Ảnh minh họa)
Lúc đầu tôi bàn với chồng bán mảnh đất vợ chồng mới mua để đầu cơ, lấy tiền cho ông bà mượn trả nợ nhưng anh không đồng ý với lý do:
“Đất đó mới mua chưa được giá. Bán giờ lỗ, ai bù cho tôi”.
Không muốn làm phiền các con, bố mẹ tôi quyết định bán nhà trả nợ rồi thuê 1 phòng trọ sinh sống. Thương ông bà tuổi già phải sống cảnh thuê trọ chật chội, ẩm thấp, tôi lại bàn với chồng:
“Nhà mình rộng, em muốn đón bố mẹ về chăm sóc. Ông bà vừa xảy ra chuyện như thế, sống xa con nghĩ ngợi nhiều sẽ ốm mất”.
Nhưng chồng tôi vẫn dửng dưng đáp:
“Cô đã lấy chồng đừng lúc nào cũng chỉ nghĩ cách lo cho nhà đẻ. Bố mẹ cô làm ăn không biết tính toán, phải tự chịu thôi, không thể đặt gánh nặng lên vai tôi được”.
Cuối tháng trước trên đường đi chợ, mẹ tôi bị ngã xe gãy chân. Nghe tin bà nhập viện, tôi vội vàng rút trong tài khoản 50 triệu đưa bố lo thuốc thang viện phí cho bà. Chồng tôi tuy khó chịu, không đồng ý với vợ nhưng trong tình huống cấp bách, anh cũng không thể cấm cản. Song phần nào hiểu tính con rể nên khi mẹ ra viện, bố tôi nói rõ:
“50 triệu đó bố mẹ chỉ vay các con. Khi nào có điều kiện, bố mẹ sẽ trả lại”.
Tôi động viên:
“Bố mẹ không cần trả chúng con. Lúc bố mẹ ốm đau, chúng con phải có trách nhiệm chăm lo, phụng dưỡng. Chỉ cần bố mẹ khỏe mạnh là chúng con vui rồi”.
Chồng tôi đứng bên, mặt lập tức tối sầm. Về tới nhà, anh quát tháo ầm ĩ:
“Cô giỏi rồi, dám tự ý vượt quyền cho tiền bố mẹ đẻ khi chưa hỏi qua ý chồng. Tôi nói trước, tiền tôi không phải vỏ hến nên không có chuyện cho không bố mẹ vợ. Hơn nữa chính bố mẹ cô cũng nói chỉ vay, vậy thì cứ tính theo lãi ngân hàng. Nói thật, với hoàn cảnh của ông bà, được tôi cho vay ngần ấy là tốt quá rồi. Thành phần vỡ nợ, ai dám tin tưởng đưa tiền cho”.
Hành xử của chồng khiến tôi thất vọng tột độ. (Ảnh minh họa)
Hành xử của chồng khiến tôi vừa sốc vừa tổn thương. Nghĩ lại khi xưa bố mẹ mình đầu tư bao nhiêu tiền của cho con rể không tiếc, vậy mà giờ anh lại tệ bạc với họ như vậy mà tôi ức. Không nghĩ ngợi thêm, tôi vào mở két sắt, lấy hết vàng cưới, sổ tiết kiệm, sổ đỏ ra đặt mặt bàn, tuyên bố:
“Chúng ta ly hôn. Vàng cưới bố mẹ tôi cho, giờ tôi lấy lại. Sổ đỏ, sổ tiết kiệm chia đôi, tôi với anh mỗi người 1 nửa. Tôi sẽ trừ 50 triệu bố mẹ tôi vay vào phần của tôi.
Anh nên nhớ, anh có được ngày hôm nay là nhờ bố mẹ tôi phần lớn. Thật buồn, chỉ bởi tôi chọn nhầm chồng khiến bố mẹ mất công mất của, dành sự lo lắng cho anh, đổi lại họ chỉ nhận được sự vô ơn, bạc bẽo. Nhưng không sao, tôi sai đâu sẽ sửa đấy, nhất quyết không nhắm mắt sai tiếp”.
Tới đây, chồng tôi mới vội xuống giọng nhận mình sai, suy nghĩ chưa thấu đáo. Tuy nhiên tôi vẫn dọn đồ sang ở với bố mẹ, nói rằng cần thời gian suy nghĩ xem có nên tiếp tục duy trì hôn nhân với anh. Nếu anh không thực sự thay đổi, tôi sẽ ly hôn.
Theo PV/Thời báo văn học nghệ thuật