Hôn nhân chưa bao giờ dễ dàng, nhất là đối với những ai qua hai lần đò, lúc nào cũng sẽ có những mảnh chắp vá khó mà khớp được.
Góa chồng ở tuổi 36
Chị K.G (Nam Định) chia sẻ, cuộc hôn nhân đầu tiên của chị vốn rất êm đẹp, hai người yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, tâm đầu ý hợp, tiến tới hôn nhân trong sự chúc phúc của hai bên gia đình và bạn bè. Nào ngờ, biến cố ập đến khi chồng chị K.G bệnh nặng rồi qua đời.
"Khi tôi 36 tuổi, người chồng đầu tiên của tôi qua đời vì bệnh tật, để lại cho tôi một căn nhà ở trung tâm thành phố, một cậu con trai đang học tiểu học, một công ty nhỏ lãi mỗi năm gần 500 triệu đồng, vài khoản tiết kiệm. Những năm đầu sau khi anh mất, tôi nén đau buồn, cố gắng làm lụng, giữ vững cơ ngơi của anh, nuôi dạy con trai ăn học. Thế nhưng, mỗi khi đêm về, tôi vô cùng đau lòng, nhớ tới những ngày tháng có anh ở bên, tôi đau quặn trái tim, chỉ biết rơi nước mắt trong âm thầm", chị K.G tâm sự.
|
Khi đọc được nội dung di chúc, chị K.G vừa tức giận vừa đau lòng - Ảnh minh họa |
Đến năm 40 tuổi, chị K.G gặp người chồng thứ hai - một kỹ sư xây dựng đã ly hôn, hơn chị 3 tuổi. Về điều kiện hoàn cảnh, anh không có gì nổi bật, toàn bộ tài sản là một căn nhà ở ngoại ô. Khi ly hôn, anh giành được quyền nuôi con gái, vợ cũ không phải cấp dưỡng. Con gái riêng của anh hơn con trai chị K.G 4 tuổi, cô bé không phản đối nhưng cũng không mặn mà gì với chuyện bố tái hôn.
“Con anh, con tôi”
Chị K.G và người chồng thứ hai quen nhau qua sự giới thiệu của bạn bè, lúc đó dù biết anh nuôi con gái nhưng nghĩ con gái không có gánh nặng gì nên chị vẫn quyết định hẹn hò với anh. Trong thời gian yêu nhau, anh rất tốt đối với chị K.G và con trai riêng của chị. Cảm thấy anh là người đàn ông tốt, có suy nghĩ tiến bộ, sau hơn một năm hẹn hò, hai người quyết định đăng ký kết hôn.
"Sau khi kết hôn, anh ấy muốn chuyển đến ở căn nhà do chồng trước của tôi để lại với lý do ở trung tâm thành phố thuận tiện hơn, còn nhà anh ở ngoại ô cho thuê để kiếm thêm tiền. Trong thời gian này, vì kiếm được nhiều tiền hơn nên tôi cũng gánh chi phí sinh hoạt nhiều hơn. Dù bạn bè và người thân khuyên nên cân đối lại nhưng tôi không có ý kiến gì về vấn đề này, còn cảm thấy đã là gia đình thì không nên tính toán chi ly. Song, có lẽ tôi đã quá ngây thơ rồi", chị K.G chán nản.
Đến hiện tại, sau 6 năm chung sống với người đàn ông này, chị K.G cảm thấy thất vọng vô cùng. Cách đây không lâu, chồng chị lâm bệnh nặng, buộc phải nhập viện điều trị liên tục, cả thể chất và tinh thần đều vô cùng sa sút. Có lẽ cảm thấy mình không sống được bao lâu, chồng chị quyết định thuê luật sư soạn thảo di chúc. Đáng nói, anh làm chuyện này một cách bí mật, không cho vợ biết.
Tới khi đọc được nội dung di chúc, chị K.G vừa tức giận vừa đau lòng. Nội dung của di chúc ghi rõ ràng, nếu chồng chị qua đời vì bệnh tật, căn nhà ở ngoại ô và số tiền dành dụm đứng tên anh đều sẽ được để lại cho cô con gái riêng, không hề nhắc đến mẹ con chị.
"Thực ra, dù anh ấy không soạn di chúc thì tôi cũng sẽ nhường hết tài sản của anh cho con gái riêng. Tôi và con trai không thiếu tiền, tôi là người biết vun vén, không bao giờ để bản thân bị động trong chuyện tiền bạc. Thế nhưng, cách cư xử của anh khi lén làm di chúc khiến tôi nguội lòng, cũng nhận rõ bộ mặt thật của anh. Hóa ra, trong suốt 6 năm chung sống, tôi và con trai chỉ là người ngoài trong mắt anh", chị K.G nói.
"Hiện tại, tôi chỉ muốn hoàn tất thủ tục ly hôn khi anh ấy còn sống. Dù người thân liên tục khuyên tôi suy nghĩ lại, thế nhưng lòng tôi đã quyết, tôi không muốn tận tình tận nghĩa với người chỉ coi tôi và con trai là người dưng", chị K.G trải lòng.
Kiều Dụ