Màu sắc môi sẽ cho bạn biết những gì đang diễn ra bên trong cơ thể bạn. Do đó, hãy quan sát xem đôi môi của bạn có màu gì và tự đoán bệnh qua màu sắc môi dựa trên những thông tin dưới đây nhé.
Môi trắng nhợt nhạt
Khi môi của bạn nhợt nhạt, trắng bệch, thì cơ thể bạn đang thiếu máu hoặc mắc các bệnh liên quan về gan và thận. Chính vì thế, môi sẽ không thể có màu hồng hào như bình thường được. Các triệu chứng đi kèm thường là buồn ngủ, mệt mỏi, đau lưng và thậm chí giảm ham muốn tình dục.
Khi gặp tình trạng này, giải pháp khắc phục mà bạn cần thực hiện đó là tăng cường bổ sung thực phẩm dinh dưỡng cho cơ thể và đừng nghĩ đến giảm cân trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, tận dụng các phương pháp mát xa, bấm huyệt vùng đầu, mặt và chân để hỗ trợ việc bổ khí huyết.
Màu môi tím xanh
Biểu hiện này thường lặp lại mỗi khi tiết trời lạnh chứng tỏ tim mạch và hô hấp của bạn đang gặp vấn đề. Bạn nên đến bác sỹ khám tổng quát để được chuẩn đoán cụ thể tình trạng bệnh lý để có hướng chữa trị kịp thời.
Môi đỏ son
Môi màu hồng được coi là khỏe mạnh nhưng nếu một đôi môi có màu đỏ như son thì lại là dấu hiệu của một số bệnh lý trong cơ thể, điển hình là sốt. Khi bạn bị sốt, nhiệt độ cơ thể tăng cao, chức năng điều tiết trong cơ thể sẽ giảm nên hai má, môi và lưỡi của bạn sẽ đỏ lên cục bộ.
Trong trường hợp bạn không bị sốt cao mà môi vẫn có màu đỏ son thì có thể bạn đang mắc phải một số bệnh về tim, phổi hoặc cao huyết áp.
Môi thâm, viền môi tối màu
Nếu đôi môi của bạn có màu thâm đen, có viền môi tối màu, điều này cảnh báo cơ thể của bạn đang mất cân bằng nội tiết tố nghiêm trọng. Đi kèm theo đó là chán ăn, tiêu hóa kém, đi tiểu nhiều lần trong ngày.
Lúc này, bạn nên bổ sung vitamin D cùng với việc ăn những loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, như cà rốt, diếp cá,...
Cần tránh những loại thực phẩm chiên, rán, có hàm lượng đường nhân tạo cao,... bởi chúng sẽ gây ra tình trạng mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Bên cạnh đó, các hoạt động thể chất như bơi lội, chạy bộ, đạp xe, không chỉ giúp cơ thể đẹp hơn mà còn có thể cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.
Theo Công lý & xã hội