Ths.Bs Trần Xuân Tùng – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng là một trong 114 người của Đoàn y bác sĩ TP.Hải Phòng chi viện cho TP.HCM chống dịch.
|
Đoàn y bác sĩ TP.Hải Phòng trước lúc lên đường chi viện cho TP.HCM chống dịch. |
Vừa đến thành phố này sau chuyến bay chiều 15/7, BS Tùng nhận được tin bà ngoại mất. “Trong tưởng tượng của tôi, Sài Gòn vô cùng nhộn nhịp, ồn ào nhưng khi chúng tôi vào, trời mưa và đường phố hiu hắt vì dịch bệnh. Khi đó, một mình ở nơi xa, nghe tin người thân qua đời khiến cho tôi có một cảm giác khó quên trong đời”, nam bác sĩ nói.
Ths.Bs Xuân Tùng và đồng nghiệp được phân công về Trung tâm Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 - một trong những bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.
|
Đêm trắng nơi tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 |
“Căng thẳng và áp lực” là điều nam bác sĩ nói về công việc được chia theo ca (mỗi ca 12 tiếng). Ca tối của anh bắt đầu từ 6h chiều và kết thúc vào 7h30 sáng hôm sau. Mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn, nhận sự bàn giao công việc từ đồng nghiệp, anh bắt đầu vào ca trực.
Tầng bệnh nhân của BS Tùng đảm nhiệm có 60 bệnh nhân với 2 bác sĩ. Anh và đồng nghiệp, mỗi người theo dõi 30 bệnh nhân.
“Với bệnh nhân Covid-19, tình trạng bệnh có thể diễn biến nhanh. Ví dụ 1, 2 tiếng trước, F0 đang tỉnh táo, có thể gọi điện cho người nhà nhưng sau đó trở nặng rất nhanh, phải đặt ống thở máy xâm nhập. Điều này buộc các bác sĩ phải tập trung cao độ trong suốt ca trực”, anh nói.
|
Ths.Bs Trần Xuân Tùng (người ôm hoa) cùng đồng nghiệp lên đường vào TP.HCM |
Đến 11h30 đêm, họ được 2 bác sĩ khác vào thay thế. Cởi bộ đồ bảo hộ nóng bức, các bác sĩ trải tấm khăn xuống nền nhà và ngả lưng, nghỉ ngơi trong 1 tiếng. 12h30, họ lại chuẩn bị để tiếp tục công việc xuyên đêm.
Làm việc tại tuyến cuối cùng của cuộc chiến, BS Tùng từng chứng kiến những câu chuyện khiến anh ám ảnh. Có bệnh nhân Covid-19 diễn biến xấu, ở phút cuối đời, dù người nhà cũng là F0 đang điều trị ở khoa bên cạnh nhưng không thể sang nhìn mặt lần cuối. Họ ra đi khi không có người thân, gia đình bên cạnh.
BS Tùng cũng ấn tượng về ca sản phụ là F0, ở tuần thai 27 phải mổ cấp cứu để bắt con. Như các ca mổ đẻ khác, bệnh nhân được chuyển sang phòng mổ chuyên dụng nhưng do người mẹ nguy kịch, không thể di chuyển, các bác sĩ phải mổ ngay tại bàn điều trị. Một em bé được cứu sống nhưng bé còn lại không may mắn như vậy.
“Những ngày trực chứng kiến nhiều ca tử vong, dù làm trong ngành y quen với chuyện sinh tử, nhưng thời khắc đó, lòng mình vẫn rất nặng nề”, anh nói. Tuy nhiên, anh và đồng nghiệp cũng được chứng kiến những điều kỳ diệu.
Đó là nữ bệnh nhân Covid-19 (67 tuổi) có con cũng là F0, nhẹ hơn và điều trị ở tuyến dưới. “Quá trình điều trị, bệnh của bà có thuyên giảm nhưng chưa rõ rệt. Mấy ngày sau, con bà tiến triển tốt và được xuất viện. Khi chúng tôi báo tin, nét mặt người mẹ bỗng nhiên tươi tỉnh. Tôi thấy điều này rất ý nghĩa với bà. Quả thật, những ngày sau, bà phục hồi một cách diệu kỳ”, BS Tùng kể.
|
Nam bác sĩ chuẩn bị vào ca trực. |
Theo nam bác sĩ, ngoài sự nỗ lực của lực lượng y tế, tinh thần của bệnh nhân cũng đóng vai trò quan trọng để vượt qua dịch bệnh.
Anh lấy dẫn chứng là 2 bệnh nhân F0 phải thở máy oxy dòng cao trong ca trực sáng 7/8 của anh. Sáng đó, họ có dấu hiệu thở khó, các chỉ số tụt. Bác sĩ vừa phải quan sát để F0 không lâm vào tình trạng suy hơn vừa phải vỗ về, động viên: “Thở thế được rồi, tốt rồi. Bác cố lên nhé”. May mắn, đến hết ca trực, 2 bệnh nhân vẫn áp dụng thở oxy dòng cao chưa phải thở máy xâm nhập”, anh nói.
Kết thúc ca trực, sau 40 phút ngồi trên xe, anh Tùng về đến khách sạn lưu trú và tranh thủ chợp mắt khi trời đã sáng. “Mệt và nhớ 2 con (4 và 11 tuổi) nhưng lúc đăng ký vào TP.HCM chi viện, tôi chỉ nghĩ đơn giản: Đất nước cần thì chúng tôi lên đường”, anh nói.
Cuộc hội chẩn khẩn giành sự sống cho mẹ con sản phụ
Tương tự, BS Lê Văn Hoành, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng tình nguyện vào BV Trưng Vương – nơi điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng, để chi viện cho TP.HCM chống dịch.
Anh Hoành là bố của 2 em bé sinh đôi (10 tháng tuổi). Trước khi vào TP.HCM, anh gửi vợ và các con về quê ngoại để yên tâm công tác.
|
Chăm sóc bệnh nhi. |
Không chỉ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, các bác sĩ phải mặc bộ đồ bảo hộ trong thời gian dài gây nóng và khó thở. Nhiều lúc, mồ hôi đổ như tắm nhưng họ vẫn phải chịu đựng. Có lúc, khẩu trang N95 thít chặt gây ra vết xước, mồ hôi chảy vào bỏng rát nhưng họ vẫn tiếp tục công việc. Vì làm việc trong thời gian dài, nhiều bác sĩ phải đóng bỉm để công việc không bị gián đoạn.
Không muốn nói quá nhiều về khó khăn, BS Hoành chỉ muốn chia sẻ niềm vui khi được đón những em bé chào đời ở nơi đặc biệt này.
Anh hào hứng về việc tham gia mổ cho sản phụ nhiễm Covid-19, mang thai con đầu lòng ở tuần 31. Người mẹ chuyển nặng vào 4h sáng. Lúc này, em bé nặng khoảng 1,9kg, ngôi ngược. Sau cuộc hội chẩn khẩn, các bác sĩ quyết định mổ để cứu mẹ.
Ekip ca mổ tập trung rất đông các y bác sĩ đến từ Bệnh viện nhi đồng 1, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trưng Vương. Em bé chào đời có khóc nhưng sau đó phải bóp bóng ambu, chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng. Người mẹ sau ca mổ cũng được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị. Đến nay, người mẹ có thể nói chuyện với người thân và nhìn thấy con khoẻ mạnh qua cuộc gọi video.
“Ca mổ có nguy cơ lây nhiễm cao vì lúc này nồng độ virus của mẹ nhiều. Ca mổ cũng nhiều nguy cơ nhưng khi bé chào đời mọi người như vỡ òa vì hạnh phúc. Không thể có lời động viên nào có sức nặng hơn thế để chúng tôi tiếp tục chiến đấu”, anh nhấn mạnh.
Theo Ngọc Trang/Vietnamnet