Đến viện muộn, bé trai bị cắt bỏ tinh hoàn

Google News

Nghe con than đau ở vùng kín, mẹ cứ nghĩ con chạy nhảy, va chạm. Tổn thương ngày càng nghiêm trọng, khi đến bệnh viện, tinh hoàn hoại tử vì bị xoắn.

Chị Nguyễn Thị L, mẹ của bé trai T.H.H (6 tuổi, Tiền Giang) cho biết, con ngày càng quấy khóc vì dương vật ngày càng đau, cả lúc đang ngồi.  

Den vien muon, be trai bi cat bo tinh hoan
Nhiều bé trai đến trễ, các bác sĩ đau lòng cắt bỏ tinh hoàn bị hoại tử vì xoắn. Ảnh tư liệu

Khi kiểm tra, chị thấy ở bìu trái của con hơi đỏ, sưng, nhưng lại ngại dịch Covid-19 nên chỉ mua thuốc cho bé uống và tiếp tục theo dõi. Vài ngày sau đó, vùng bìu của bé trai sưng đỏ, bìu bên trái đỏ nhiều.

Chị vội vàng đưa con đi bệnh viện, nhưng do tổn thương quá nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ nhận định bé trai bị xoắn tinh hoàn, tình trạng bệnh rất nặng. Mặc dù các bác sĩ khẩn trương phẫu thuật xử lý, nhưng đã quá trễ, bắt buộc phải cắt bỏ cả hai bên tinh hoàn.

Một trường hợp khác, bé P.V.K. (5 tuổi, ở Bình Dương), được gia đình đưa đến bệnh viện sau 2 ngày quấy khóc vì đau, bầm vùng bìu. Bệnh nhi cũng  buộc phải phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.

ThS.BS Nguyễn Bình An, khoa Thận Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, hai bệnh nhi nói trên đều bị xoắn tinh hoàn nặng và kéo dài nhiều ngày. Mạch máu nuôi tinh hoàn bị tắc nghẽn, gây hoại tử.

Den vien muon, be trai bi cat bo tinh hoan-Hinh-2
Theo ThS.BS Nguyễn Bình An, khoa Thận Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một cấp cứu ngoại khoa, chậm trễ hay sai lầm trong chẩn đoán có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn. Ảnh tư liệu. 

Theo ThS.BS Bình An, xoắn tinh hoàn ở trẻ em là do thừng tinh và cấu trúc bên trong thừng tinh bị xoắn, tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn. Đây là một cấp cứu ngoại khoa, chậm trễ hay sai lầm trong chẩn đoán có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn.

Khi bị xoắn tinh hoàn, trong vòng 6 tiếng đầu, nếu được phẫu thuật xử lý, người bệnh có thể hồi phục 90 - 100%, nhưng khi quá 12 đến 24 tiếng, cơ hội hồi phục gần như không còn.

Thậm chí, sau khi tháo xoắn, tinh hoàn cần được đắp ấm trong 15 - 20 phút, nếu tinh hoàn không được cải thiện tưới máu cũng phải cắt bỏ. Chính vì vậy, phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ than đau vùng kín, trường hợp nghi ngờ cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa để kiểm tra và xử lý ngay.

Mất đi tinh hoàn hay chỉ còn lại một tinh hoàn trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ cũng như khả năng sinh sản.

Xoắn tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là giai đoạn sơ sinh và dậy thì. Tiền sử sản khoa như tiền sản giật, đái tháo đường thai kì, song thai, kích thước thai nhi lớn so với tuổi thai thường cần chú ý tình trạng xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh.  

Xoắn tinh hoàn ở tuổi dậy thì khiến người bệnh đau nhói một bên bìu, phần thấp của đùi hoặc vùng bụng thấp, có thể kèm theo buồn nôn và nôn ói. Cơn đau thường dữ dội, xảy ra đột ngột và tăng dần. Cơn đau khởi phát từ ban đêm đến sáng sớm có thể đã bị xoắn tinh hoàn, lúc này người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt.

Mời độc giả xem thêm video Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan Covid-19 ( Nguồn:THĐT).



Phương Khánh