Hai vợ chồng tôi đã lấy nhau được 10 năm. Nếu chỉ riêng hai vợ chồng với nhau cũng không có vấn đề gì phải tranh cãi nhiều. Hai con cũng đã lớn, ngoan ngoãn. Bố mẹ tôi ở quê, có các em nuôi nên tôi cũng không phải chăm sóc nhiều, chỉ có gia đình vợ ở gần. Tôi cũng kiếm được tiền, lại nghĩ hiếu đễ cha mẹ, tốt với gia đình vợ là việc đương nhiên. Câu chuyện gia đình khiến tôi đau đầu là gia đình vợ ở gần càng ngày càng như đỉa đói, đưa ra đủ các yêu cầu, đòi hỏi, vay xin.
|
Ảnh minh họa. |
Tôi thật mệt mỏi. Tôi không muốn muốn bị “hút cạn” nhưng cũng không muốn mang tiếng keo kiệt, hẹp hỏi.
Trước phải kể đến mẹ vợ. Bà ấy đã ngoài 50 nhưng luôn thích tham gia các cuộc đàn đúm, tụ tập. Mỗi năm, bà ấy giành mấy tháng đi chùa, đi lễ, đi vãn cảnh. Bà ấy thường nói đi lễ là để cầu phúc cho gia đình tôi, nhờ vậy mà vợ chồng tôi ăn nên làm ra, con cái ngoan ngoãn khoẻ mạnh. Mỗi lần đi lễ lại lấy của tôi 5-10 triệu.
Rồi bố vợ thích cờ bạc, lô đề. Ông ấy không đánh to nhưng ngày nào cũng đánh nên tháng nào cũng đòi tôi “bơm” cho dăm ba triệu. Hết tiền lại qua chỗ tôi “vay” với lời hứa hẹn “bao giờ trúng bố trả gấp đôi”. Nhưng kể cả khi tôi nghe ông trúng lớn thì tiền cũng một đi không trở lại. Cô em vợ đang dự định mở cửa hàng kinh doanh cũng tới rủ tôi “hùn vốn”. Cậu em trai vợ đang học Đại học cũng năm bữa nửa tháng lại rẽ qua mua cho các cháu gói kẹo rồi xin tiền đổ xăng, tiền điện thoại, tiền học, tiền tán gái… Rồi chú dì, cô bác đến xin việc cho con, nhờ giúp đỡ mua chung cư giá rẻ… Họ toàn nói bằng miệng còn tôi khi đi giúp toàn phải chi tiền.
Mỗi lần thấy tôi cằn nhằn, vợ tôi lại phân trần gia đình khó khăn, các em còn nhỏ, giúp đỡ rồi sau này có việc chúng sẽ xúm vào giúp đỡ. Rồi thì bố mẹ già yếu, chẳng còn sống bao lâu nữa. Cô ấy còn dằn dỗi, cho rằng tôi keo kiệt với nhà vợ, trong khi cô ấy đã hy sinh vì tôi, sinh cho tôi hai đứa con, ở nhà chăm sóc gia đình… Hai vợ chồng làm gia tiền thì chu cấp cho nhà vợ là đương nhiên.
Tôi thật mệt mỏi. Tôi không muốn muốn bị “hút cạn” nhưng cũng không muốn mang tiếng keo kiệt, hẹp hỏi. Thậm chí tôi đang “ghét lây” cả vợ.
Tơ Hồng tư vấn:
Hiếm có một người đàn ông nào rộng lượng như anh. Việc con kiếm được tiền, giúp đỡ, chu cấp cho bố mẹ vợ và anh em vợ là điều nên làm. Tuy nhiên, việc giúp đỡ khi họ khó khăn với việc chu cấp tiền để họ thoả mãn sở thích cá nhân là hai điều hoàn toàn khác nhau.
Ngay từ đầu, anh đã phải vạch ra giới hạn giúp đỡ và thẳng thắn từ chối nếu thấy rằng mình đang bị lợi dụng. Rõ ràng, việc anh chu cấp tiền cho bố mẹ vợ để tiêu sài phung phí, thậm chí là thói hư tật xấu như đánh bạc khiến họ nghĩ rằng “anh thừa tiền”, “dễ dãi”. Họ hoàn toàn không thấy được sự bao dung của anh, càng không hiểu nỗi vất vả, khó nhọc khi anh lao động kiếm tiền. Càng ngày sự đòi hỏi, vòi vĩnh sẽ càng lớn hơn.
Họ sai nhưng cả anh cũng phải chịu trách nhiệm về sự cả nể của mình. Ngay cả vợ anh cũng không hiểu, thậm chí cho rằng anh kiếm được tiền dễ dàng nên cho cũng thoải mái. Lòng tốt mù quáng của anh còn tiếp tay cho bố mẹ vợ lún sâu vào thói hư, tật xấu, tiêu pha hoang phí. Cậu em vợ có tiền có thể sa vào tệ nạn, nghiện ngập. Đồng thời, với tâm trạng ấm ức bố mẹ vợ, tức giận vì vợ không hiểu, anh còn khiến tình cảm giữa hai vợ chồng sứt mẻ.
Vì vậy, việc quan trọng trước tiền là làm vợ anh phải hiểu và đồng cảm với suy nghĩ của chồng. Việc đưa tiền dễ dãi cho bố mẹ không phải là hiếu đễ, tốt bụng mà chính là đang làm hại bố mẹ, hại em, hại tới chính hạnh phúc của gia đình mình.
Anh cứ giải thích thiệt hơn với vợ, rằng anh không tiếc tiền nhưng đồng tiền ấy phải có ích, đúng việc, chứ không cho một cách mù quáng. Rằng anh sẵn sàng giúp đỡ bố mẹ và anh em vợ nếu như họ nghèo khó, cần tiền để có vốn làm ăn, tăng thu nhập. Anh chị cũng cần thống nhất với nhau mỗi tháng nên đỡ đần cha mẹ một khoản cố định để chi tiêu. Nếu bố mẹ ốm đau sẽ giúp thêm. Nhưng tuyệt đối từ chối khi mẹ vợ xin tiền đi lễ, bố vợ vay tiền đánh bạc… Lúc đầu có thể họ sẽ giận dỗi, trách móc anh. Nhưng khi anh chị kiên định, chia sẻ suy nghĩ với bố mẹ, hy vọng họ sẽ hiểu và tiết chế chi tiêu của mình.
Theo Dân Việt