Đặt stent động mạch thận trị cao huyết áp

Google News

(kiến Thức) - Nhờ chuyển giao kỹ thuật nong, đặt stent động mạch thận tắc hẹp, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã chữa trị thành công cho 2 trường hợp bị cao huyết áp do tắc động mạch thận.
 
 

Suy tim, thận và dễ tai biến
Anh Nguyễn Văn Phương (33 tuổi ở Phú Thọ) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, hơi yếu một bên người, buồn nôn, phù, tiểu ít... (tai biến nhẹ) do huyết áp tăng cao 195 – 200/120mmHg. Các bác sĩ cho dùng đủ các loại thuốc nhưng huyết áp vẫn không giảm, diễn biến bệnh ngày càng nặng. Kết quả thăm dò động mạch thận (ĐMT) thì thấy ĐMT bị tắc hẹp. Bệnh nhân được đặt stent để thông tắc. Sau can thiệp stent huyết áp trở về ổn định 120/80mmHg. 3 ngày sau ra viện.
Dat stent dong mach than tri cao huyet ap
Đặt Stent cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ. 
BSCK II Ngô Thị Thu Hương, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, nhờ được chuyển giao kỹ thuật từ Viện Tim mạch Quốc gia, Viện Tim Hà Nội và Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E trong chương trình bệnh viện vệ tinh từ năm 2013, ngoài các kỹ thuật can thiệp mạch vành, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ mới đưa vào ứng dụng thành công kỹ thuật đặt stent động mạch thận cho 2 bệnh nhân cao huyết áp do hẹp tắc động mạch thận (HTĐMT).
Theo BSCK II Ngô Thị Thu Hương, tăng huyết áp do HTĐMT là bệnh đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ, thường gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi. HTĐMT là bệnh lý do thu hẹp của một hoặc cả hai động mạch thận. Thận nhận 25% lưu lượng máu từ tim ra, hậu quả hẹp tắc là thận bị giảm tưới máu, có thể làm tăng huyết áp và tổn thương nhu mô thận. Nghiên cứu cho biết khoảng 90% bệnh nhân HTĐMT là do xơ vữa động mạch gây tắc, hẹp và xơ cứng động mạch thận. Bệnh tiến triển khi có mảng bám chất dính tạo thành bởi chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác được tìm thấy trong máu, tạo thành nút hẹp bên trong của một hoặc cả hai động mạch thận. Đa số bệnh nhân bị THĐMT không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Các dấu hiệu của THĐMT thường gặp là tăng huyết áp khó kiểm soát bằng các thuốc hạ áp, suy giảm chức năng thận là một trong các biến chứng của tăng huyết áp khó kiểm soát do hẹp động mạch thận.
Can thiệp nội mạch tránh nhiều biến chứng chết người
BSCK II Ngô Thị Thu Hương cho biết, cao huyết áp do THĐMT không thể điều trị bằng thuốc chỉ có thể được thực hiện bằng phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch. Phẫu thuật mổ mở thay động mạch là một phẫu thuật lớn với nhiều tai biến nguy hiểm nhất là khi bệnh nhân bị huyết áp cao việc gây mê cũng khó khăn. Can thiệp nội mạch là nong hoặc đặt stent lòng mạch qua da không cần phẫu thuật. Stent hoặc bóng nong được đưa từ động mạch đùi lên động mạch thận. Thời gian thực hiện hoặc 45 phút đến 1 tiếng không cần gây mê. Sau 2 - 3 ngày bệnh nhân có thể ra viện. Huyết áp thường cải thiện ngay sau can thiệp.
Tỷ lệ tai biến do nong, đặt stent ĐMT khá thấp, đặc biệt các biến chứng nặng cần xử trí thường không quá 5%. Các biến chứng có thể gặp là tụ máu vùng đùi, suy thận cấp sau can thiệp (do thuốc cản quang gây độc thận), bóc tách và tắc động mạch thận, tụ máu quanh thận... Điều đáng nói là thủ thuật này không chỉ ngăn ngừa được các biến chứng của HTĐMT mà còn phòng ngừa được các biến chứng chết do cao huyết áp gây ra như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch máu não, nhũn não, thiếu máu não, suy thận và các biến chứng về mắt về mạch máu có thể gây mù lòa, lóc tách vỡ động mạch chủ gây tử vong hoặc hoại tử chân do tắc động mạch chi...
Mời quý độc giả xem video tai biến y khoa (nguồn VTV):
Thúy Nga